Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Vẫn đắn đo giữ hay bỏ

(PLO)- Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần có lộ trình sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-3, tại phiên họp thứ 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó có quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Hai phương án

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì, bởi quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước. Đây là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ý kiến này cho rằng, thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động, quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá...

Tuy nhiên, dù ủng hộ việc tiếp tục duy trì quỹ bình ổn, nhiều ý kiến vẫn đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, trách nhiệm công khai, bảo đảm hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng quỹ.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì quỹ bình ổn, bởi đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả nhưng lại do doanh nghiệp quản lý và cơ quan điều hành quyết định sử dụng, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ....

Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội trong quản lý, điều hành quỹ này, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng quỹ.

Cạnh đó, cần nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Cần công khai việc sử dụng Quỹ

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu do ủy ban tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng quỹ này chưa đảm bảo đúng mục đích.

Dẫn chứng, ông Thanh nói qua theo dõi hoạt động của quỹ, ngày 21-6-2022, giá xăng dầu cao đỉnh điểm nhưng Quỹ không có tác động để giảm giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế thừa nhận “đây là vấn đề hết sức trăn trở”, khi ngay trong Thường trực Ủy ban vẫn tồn tại hai luồng ý kiến về việc có nên giữ quỹ này hay không.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Vũ Hồng Thanh nói “nên giữ”, nhưng phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của việc điều hành thời gian qua.

"Có lẽ cần phải có đánh giá riêng để xử lý các vấn đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xem công khai, minh bạch ra sao... để đảm bảo hoạt động đúng" - ông Thanh nói thêm.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ quản lý của nhà nước đối với giá xăng dầu. Bộ Tài chính đang đánh giá để làm thế nào quỹ hoạt động hiệu quả nhất và khi sửa đổi Nghị định số 95/2021 sẽ có quy định giúp quản lý chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, trước khi tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra tháng 5-2023).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm