Tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu là chưa phù hợp; ngành điện cúp điện tràn lan không theo quy định pháp luật… là những nội dung mà báo cáo kết quả giám sát kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII đề cập trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-10.
Lập quỹ không phù hợp quy định
Năm 2009, Chính phủ quyết định lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tiếp đến, Bộ Tài chính đã hướng dẫn thực hiện theo hướng: Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập từ giá bán lẻ xăng dầu và để lại tại các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, được hoạch toán riêng, sử dụng vào mục đích bình ổn giá theo chỉ đạo của Bộ Tài chính...
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, đối chiếu với quy định của pháp luật, việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu là chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Giá. Trong pháp lệnh không có quy định nào cho phép bình ổn giá bằng biện pháp thành lập quỹ.
Ông Vượng tiếp: “Việc hình thành các quỹ trên đang có nguy cơ tiêu diệt sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu. Theo ý kiến của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, việc lập quỹ hiện nay chưa giải quyết bình ổn giá. Trái lại còn tạo lợi thế cho các doanh nghiệp tích tụ một số vốn từ quỹ trên để giảm vốn vay. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu….”.
Khi giá xăng dầu tăng hay giảm, khách hàng vẫn phải trả thêm tiền để đưa vào quỹ bình ổn giá. Ảnh: HTD
Ông Vượng cũng cho biết hiện cử tri rất bức xúc tình trạng gian lận trong bán lẻ xăng dầu, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng nhưng công tác kiểm tra, xử lý còn chưa nghiêm, thiếu tính răn đe.
“Cử tri đề nghị bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì khi giá xăng dầu tăng hay giảm, khách hàng vẫn phải trả thêm 300-500 đồng/lít để đưa vào quỹ bình ổn giá” - ông Vượng nêu.
Đại diện Bộ Tài chính “cãi”: Việc lập quỹ là đúng quy định của pháp luật và căn cứ vào Pháp lệnh Giá.
Cắt điện tràn lan, dân bức xúc
Ông Vượng tiếp tục nêu kiến nghị của cử tri: Giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay cũng chưa đảm bảo nguyên tắc chỉ hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp như quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tất cả khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều áp dụng chung một biểu giá bán lẻ điện. “Việc thiếu điện, cử tri thông cảm với ngành điện nhưng bà con rất bức xúc trước hành xử của ngành điện. Khi cắt, cúp, ngành điện không thông báo trước theo đúng quy định của pháp luật và việc cắt cũng chưa bảo đảm tính luân phiên, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện” - ông Vượng nêu.
“Thanh toán bảo hiểm y tế với những người bị tai nạn giao thông đến nay vẫn chưa giải quyết đến nơi đến chốn cũng được cử tri rất quan tâm. Hướng dẫn quy định vi phạm pháp luật thì sẽ không được thanh toán viện phí của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư đòi hỏi người bị tai nạn giao thông phải có xác nhận không vi phạm luật của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào, ai xác nhận… thì thông tư không nêu. Điều này gây khó khăn cho người dân. Đây là vấn đề được cử tri nêu từ kỳ họp trước, đến nay vẫn tiếp tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm” - ông Vượng báo cáo.
Giải thích, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết quan điểm của Bộ là cơ quan công quyền phải nhận khó khăn về mình. Do đó, khi có tai nạn giao thông mà chưa xác định có vi phạm hay không, bệnh viện vẫn cứ chữa trị. Sau đó nếu có kết luận của công an là bệnh nhân đó vi phạm luật giao thông, bệnh viện sẽ truy thu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa đồng ý với phương án trên. “Hiện chúng tôi đã có kiến nghị gửi đến Thủ tướng để xem xét, quyết định ” - ông Triệu nói.
THÀNH VĂN