Quy định rõ thời hạn để khắc phục chậm trễ ban hành kết luận thanh tra

(PLO)- Luật Thanh tra 2022 đã được Quốc hội thông qua với nhiều sửa đổi, trong đó quy định rõ thời hạn để khắc phục việc đùn đầy, chậm trễ ban hành kết luận thanh tra.

Sáng 14-11, Quốc hội biểu quyết thông qua việc sửa đổi Luật Thanh tra với 459 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành.

Luật Thanh tra 2022 gồm 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Một sửa đổi đáng chú ý là Luật Thanh tra 2022 quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

“Đây cũng là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra” - giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước QH về Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: QH

Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo. Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

ĐBQH bấm nút thông qua luật. Trong ảnh là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QH

Cũng theo Luật, trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

Giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay: Việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010, có nguyên nhân một phần do chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm.

“Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này. Đến nay, trong tổng số 15 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành chậm ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành bảy kết luận thanh tra; đã báo cáo Thủ tướng sáu dự thảo kết luận thanh tra. Hai cuộc thanh tra còn lại đã cơ bản kết thúc, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kết luận để ban hành, dự kiến hoàn thành trong tháng 11-2022” - ông Tùng báo cáo.

Chưa cho Trưởng đoàn Thanh tra ký kết luận thanh tra

Có ý kiến đề nghị phân quyền ký kết luận thanh tra cho Trưởng đoàn thanh tra; giao quyền xem xét, quyết định kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cho cơ quan thanh tra.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay: Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy đây là những vấn đề đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nhằm cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động thanh tra.

Tuy nhiên, qua thảo luận và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhiều ý kiến chưa ủng hộ các đề xuất này vì cho rằng không khả thi, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và vận hành cũng như thực tiễn hoạt động của bộ máy nhà nước ta hiện nay.

“Do đây là những vấn đề mới, không được Chính phủ trình, chưa có đánh giá tác động, đồng thời liên quan tới quy định của nhiều luật khác như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, công chức… Đề nghị QH cho phép chưa quy định những nội dung này trong dự thảo Luật và giao Chính phủ tổ chức nghiên cứu, đề xuất vào thời điểm thích hợp” - báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới