Đại biểu: ‘Vì sao Thanh tra chỉ rút kinh nghiệm, UBKT Trung ương vào mới xử hình sự?’

(PLO)- Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ vì sao kết luận thanh tra không có khuyết điểm nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc lại chuyển hồ sơ qua xử lý hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vào sáng 5-11, đại biểu (ĐB) Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt câu hỏi về một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thế nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc lại chỉ ra sai phạm và chuyển hồ sơ qua xử lý hình sự.

“Vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng... Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết và có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới ?”- ĐB Bình Thuận chất vấn.

ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: ĐỨC MINH

ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: ĐỨC MINH

Cho rằng đại biểu đang hướng đến câu chuyện dự án sân golf Phan Thiết (Bình Thuận), Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vụ việc được thanh tra theo đơn thư tố cáo của nguyên cán bộ tỉnh. Cụ thể ở đây là tố cáo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm sai một số vụ việc, trong đó có việc 'biến' sân golf Phan Thiết thành khu đô thị.

Khi nhận được đơn, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra rà soát tất cả các nội dung. Tuy nhiên, đoàn thanh tra chỉ kế thừa kết quả kiểm toán và thanh tra trước đây để làm căn cứ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.MINH

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.MINH

Riêng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang khu đô thị, địa phương đã không dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội, việc xác định giá đất chưa chính xác. Trong kết luận, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ có yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tính toán xác định lại theo đúng pháp luật.

“Sau 1-2 năm, UBND tỉnh Bình Thuận không thực hiện, người tố cáo tiếp tục tố cáo. Khi đó, tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra có chỉ đạo rà soát, khi có sai phạm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra…’- ông Phong cho hay.

Với sự việc cụ thể trên, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng có xem xét sự việc này, thấy được trách nhiệm của Thanh tra có hai vấn đề. Thứ nhất, giải quyết việc này còn chậm. Thứ hai, đoàn thành tra kế thừa kết quả kiểm toán và Bộ Xây dựng trước đây.

“Cả ba cơ quan này, các đồng chí lãnh đạo đều có hình thức xử lý kỷ luật trong thời gian vừa qua..”- ông Phong thông tin.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Đặng Hồng Sỹ cho hay ông không hỏi về vụ việc cụ thể. Vì vậy, ông đề nghị làm rõ đây là vướng mắc quy định hay có tình trạng tiêu cực trong hoạt động thanh tra?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải thích việc dẫn ra vụ việc cụ thể cũng nhằm minh chứng cho tình trạng chung là có sự khác nhau giữa kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Về chức năng nhiệm vụ liên quan đến một đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, ông cho rằng là tương đồng. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc. Đối với cùng một sự việc nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau.

"Thời gian qua, chúng tôi thanh tra, khi cơ quan thanh tra ngồi làm việc với cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, một vấn đề cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, đánh giá sự việc đó có hay không sai phạm"- ông Phong nói.

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra cho rằng còn có nguyên nhân về cơ chế chính sách thay đổi khi trải qua nhiều thời kỳ; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để tính đúng sai.

Ông Phong cũng cho hay trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán như ở Bình Thuận, khi phát hiện vấn đề, nếu có thể yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục về kinh tế, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của nhà nước thì có thể không đến mức xử lý hình sự.

“Hiện nay, chúng tôi có những kết luận thanh tra, được sự đồng ý của Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách, trường hợp có khả năng xử lý về mặt kinh tế được thì cho một thời hạn nhất định, quá thời hạn đó không xử lý được phải chuyển cơ quan điều tra. Đây là biện pháp trong quá trình xử lý, còn vênh nhau trực diện thì không có. Tôi khẳng định là thế”- ông Phong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm