VKSND Tối cao vừa gửi tới Quốc hội báo cáo liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề.
Đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xửcác vụ án kinh tế, tham nhũng
Tại báo cáo này, VKSND Tối cao có đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo VKSND Tối cao, thời gian qua, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi hơn, đã xuất hiện phạm tội có tổ chức, tội phạm phi truyền thống hoạt động núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, gian dối trong việc phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tài sản trong thời gian dài với số tiền đặc biệt lớn.
“Nhiều vụ án kinh tế, chức vụ liên quan đến đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản xảy ra trên địa bàn hầu hết các tỉnh, thành phố, số lượng đối tượng có liên quan rất đông…”- báo cáo của VKSND Tối cao dẫn chứng vụ Việt Á xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
VKSND Tối cao cũng khẳng định đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm các vụ án được xử lý đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản đã được VKSND Tối cao chú trọng ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng chú trọng phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, pháp lý tại thời điểm trước và trong tố tụng, để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Cụ thể, phối hợp kiểm tra, xác minh về tình trạng pháp lý của tài sản, nguy cơ chuyển dịch tài sản với mục đích tẩu tán và áp dụng ngay các biện pháp như tạm dừng giao dịch tài khoản, tài sản (tiền tố tụng); phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản (trong tố tụng); ban hành các yêu cầu điều tra làm rõ bản chất vụ án (đa số là cố ý, động cơ vụ lợi, có chiếm đoạt). Từ đó, thúc đẩy thái độ chủ động, tự nguyện khắc phục hậu quả đã gây ra; hoặc thường xuyên giải thích, động viên người phạm tội khắc phục hậu quả để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Nhiều vụ án đang điều tra, tài sản bị kê biên lớn hơn nhiều lần hậu quả thiệt hại
Về kết quả cụ thể, từ ngày 15-11-2022 đến ngày 15-9-2023, VKSND Tối cao đã phát hiện, thụ lý, khởi tố, truy tố 50 vụ án/419 bị can; bảo đảm các quyết định truy tố đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp VKS truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Báo cáo khẳng định các vụ án do VKSND Tối cao thụ lý đều được yêu cầu điều tra làm rõ tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; yêu cầu xác minh tài sản của bị can, người liên quan trong các vụ án để có căn cứ áp dụng các biện pháp bảo đảm thu hồi, yêu cầu tạm dừng xuất cảnh, tạm ngừng giao dịch tài sản (nếu có) nhằm ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản, che giấu tài sản.
“Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao; thực hiện thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực”- báo cáo nêu.
VKSND Tối cao cho hay nhiều vụ án đang điều tra có giá trị tài sản bị kê biên, phong tỏa lớn hơn nhiều lần so với hậu quả thiệt hại được chứng minh, kết luận. Theo báo cáo, đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 405.200 tỉ đồng; 68 Bất động sản (chưa định giá); 5 xe ô tô (chưa định giá); gần 158.300 cổ phần, cổ phiếu; 36 kg vàng...
Cũng theo VKSND Tối cao, nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước đã được thu hồi triệt để, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này còn có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
“Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao, qua đó thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của VKSND nói riêng”- VKSND Tối cao khẳng định.
Riêng về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, báo cáo cho hay trong tổng số 133 vụ việc, đã thi hành xong 45 vụ việc; 7 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án. Đang tiếp tục tổ chức thi hành 74 vụ việc và 7 vụ việc cơ quan THADS chưa thụ lý ra quyết định thi hành án do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm hoặc cơ quan THADS chưa nhận đủ tài liệu, bản án.
Theo đó, tổng số phải giải quyết gần 153.500 tỉ đồng; số đã thi hành xong gần 75.500 tỉ đồng, còn phải thi hành hơn 78.000 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã thi hành xong gần 19.100 tỉ đồng.
QuýIV sẽ trình dự thảo tiêu chí phân loại xử lý tội phạm trong vụ án đăng kiểm
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng được giao nhiệm vụ tham gia “rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khẩn trương có các giải pháp xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền để sớm xét xử, có phương án xử lý đối với các tài sản, nguồn lực liên quan các vụ án, vụ việc lớn tránh thất thoát, lãng phí kéo dài”.
Cụ thể, VKSND Tối cao được phân công phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao xây dựng tiêu chí phân loại xử lý để thống nhất trên toàn quốc đối với các vụ án, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp các dạng vi phạm, sai phạm, kết quả khởi tố điều tra của các cơ quan tố tụng tại các địa phương, trong quý IV- 2023, VKSND Tối cao sẽ phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao hoàn thành dự thảo xây dựng tiêu chí phân loại xử lý đối với các vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để trình cấp có thẩm quyền quyết định.