Điều đó cho thấy sự “bước xuống” với dân để giải quyết vấn đề của ông bí thư đã mang lại hiệu quả tích cực, khi việc sử dụng công cụ quản lý của chính quyền chưa phát huy hiệu năng như mong muốn.
Rõ ràng việc ông bí thư tổ chức đối thoại đã tạo ra một không gian hiệu ứng tích cực hơn, khi mà cả người dân và chính quyền đều ngang bằng nhau về việc bày tỏ ý kiến và các lý lẽ của mình. Nó giúp người dân tháo gỡ những bức xúc, dồn nén trong lòng, đồng thời để chính quyền có thể thông tin một cách chính thống, cặn kẽ các chủ trương, chính sách của mình. Từ đó, người lãnh đạo cao nhất ở địa phương là ông bí thư tỉnh ủy có thể tường tận lý lẽ của cả đôi bên và đưa ra quyết định hợp lý đủ sức thuyết phục được dân chúng.
Đối thoại cũng giúp cải thiện một cách mạnh mẽ hình ảnh chính quyền trong mắt dân, nhất là khi những chữ “cửa quyền, quan liêu” đang được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn công luận. Đối thoại không những giúp chính quyền “ghi điểm” với dân mà niềm tin của xã hội vào chính bộ máy công quyền - được xem do nhân dân ủy thác quyền lực của mình để lãnh đạo và quản lý xã hội - cũng được cải thiện đáng kể. Nó giúp chính quyền lẫn xã hội tiết kiệm chi phí (thời gian lẫn tiền bạc) nhiều hơn để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng không phải lúc nào ông bí thư tỉnh ủy cũng có thể đứng ra để đối thoại với người dân, khi người dân và chính quyền xung đột về mặt lợi ích. Và ắt hẳn ông bí thư cũng không muốn làm vô hiệu quyền năng của các cấp chính quyền.
Muốn như thế, không gian đối thoại cần phải được tạo ra ở nhiều cấp độ hơn. Sẽ đỡ tổn phí hơn cho xã hội rất nhiều nếu ngay từ đầu chính quyền có thể lắng nghe và thấu hiểu hết những bức xúc của dân chúng để xử lý những xung đột lúc manh nha mà không phải đợi đến khi bùng phát. Và càng tốt hơn nữa là ngay từ khi lập các dự án có tác động đến “miếng cơm manh áo” của cả trăm người dân như dự án trên, chính quyền phải tính toán lợi ích của các bên một cách bình đẳng để tránh tạo ra những “lỗ đen” làm nơi ẩn náu cho các xung đột trong tương lai.
Rất tiếc là điều này rất ít khi được thực hiện. Thay vào đó là bộ máy hành chính của chúng ta thường sử dụng “quyền lực thẳng”, một chiều, ít quan tâm đến lợi ích của người bị tác động bởi chính sách của mình. Hệ quả trực tiếp là người dân thấy lợi ích của mình không được tôn trọng nên sinh ra bức xúc. Hậu họa lâu dài là các bức xúc sẽ dần dồn nén thành ức chế và đây là điều kiện để “bén lửa” làm bùng nổ các xung đột lợi ích.
Vì thế điều cần hơn và có lẽ là nặng nề hơn, đằng sau những tiếng vỗ tay của buổi đối thoại sáng nay, là ông bí thư phải làm sao để cán bộ các cấp của mình thấu hiểu được và nằm lòng trong ứng xử về bài học giá trị của sự cởi mở và bình đẳng lợi ích trước dân.