Cử tri Thái Thanh Hùng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) nói: “TQ bấy lâu nay luôn lấn tới, không chỉ xâm chiếm trái phép các đảo của ta mà giờ họ còn tấn công ngư dân ta… Đã thế họ còn bắt hai tàu cá của ngư dân Quảng Bình cưỡng ép ký vào biên bản trái phép nói là xâm phạm vùng biển, vùng trời của TQ mà thực ra là của Việt Nam chúng ta. Chúng ta phải lên án và hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa trong chuyện này...”.
Cử tri Phạm Thanh Khiết đề nghị QH thể hiện rõ quan điểm trước tình hình biển Đông hiện nay. Cử tri Nguyễn Trí Tổng cũng bày tỏ: “Cử tri chúng tôi thấy rằng không thể có được dân giàu nước mạnh nếu không có hòa bình ổn định. Điều mà cử tri băn khoăn là đến bao giờ QH chúng ta mới ra nghị quyết về biển Đông?”.
Cử tri Nguyễn Đức Hiền (nguyên Chính ủy một lữ đoàn hải quân) kể lại: “Có lần Đại tướng Chu Huy Mân (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) ra thăm đảo. Đại tướng có nói với chúng tôi thế này: “…Dù một viên sỏi, một viên đá chúng ta cũng kiên quyết không để mất. Dù nước bạn có kim cương đá quý thì ta cũng không mơ màng đến”. Điều đó khẳng định chủ quyền đất nước của chúng ta là bất khả xâm phạm”.
Trả lời tâm tư của cử tri, Thượng tướng, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Không ai trong chúng ta lại không quan tâm tới vấn đề biển Đông cả. Không phải chỉ mỗi cử tri, chúng tôi cũng hết sức là bức xúc. QH cũng có bàn là có nên ra nghị quyết hay không? Lúc này đã cần thiết phải ra nghị quyết hay chưa?...”.
Về việc khởi kiện TQ, Thượng tướng, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho hay: “Tất cả việc này chúng ta đều đã chuẩn bị. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã chuẩn bị các phương án”. Tuy nhiên, theo ông Sơn, bây giờ kiện cái gì trước, cái gì sau… đều có bước đi hết chứ không phải để cho TQ muốn làm gì thì làm. “Tôi nói thẳng là ta đã có chuẩn bị. Khi thật cần thiết có chuyện xảy ra thì chúng ta sẽ ra nghị quyết và nghị quyết đó phải có hiệu lực” - ông Sơn cho hay.
Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, đến nay cơ bản TQ đã hoàn thành việc lấn biển quy mô lớn. Ngoài việc xây bờ kè ở một số vị trí đảo ở Hoàng Sa và các bãi đá đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam như Gạc Ma, Huy Gơ, Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Xu Bi…, TQ còn tăng cường xua đuổi ngư dân ta. Lần đầu tiên TQ tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản, phương tiện của tàu cá ngư dân ta hoạt động ở gần khu vực Trường Sa. Trước đây thì xua đuổi ở khu vực Hoàng Sa và bây giờ thì ở cả khu vực gần Trường Sa.
“Trước đây TQ chỉ xua đuổi, ngăn cản thì nay đã tiến hành bắt giữ, thu giữ. Tàu chấp pháp, tàu khảo sát, tàu cá của TQ hoạt động theo đường lưỡi bò bất hợp pháp. TQ cũng triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò. Sau đó sẽ tiến tới cưỡng chiếm và kiểm soát biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của thế giới. Trước những diễn biến trên, ta đã có các phản ứng quyết liệt và đấu tranh kịp thời trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta đã có 14 lần tiếp xúc, chín lần trao đổi công hàm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã phát biểu 10 lần. Đồng thời, ta tiếp tục theo dõi sát tàu cá, tăng cường hoạt động tuần tra để có ứng phó phù hợp, bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta” - Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho hay.