“Giờ cho tôi cái tên Cóc, Ổi, Xoài, Mít,… gì cũng được, chỉ cần tôi có một cái tên trong giấy khai sinh là tôi vui lắm rồi, tên xấu hay đẹp không quan trọng. 40 năm nay tôi luôn mang cái tên của người chị ruột để thực hiện mọi giao dịch giấy tờ, giờ rắc rối đủ đường”, chị Thanh Hiền, ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM rút ruột với phóng viên.
Hơn một năm nay, chị Hiền luôn mong mỏi được cấp căn cước với cái tên của chính mình. Chị càng khao khát hơn về một tấm giấy khai sinh bởi chỉ còn vài tháng nữa chứng minh nhân dân (CMND) của chị sẽ hết thời hạn sử dụng; khi ấy nếu không được cấp giấy khai sinh thì đồng nghĩa với việc chị sẽ trở thành “người vô danh”.
Một giấy khai sinh hai chị em sử dụng
Chị Hiền cho biết tên Hiền là cái tên mọi người thường gọi nhưng thật ra mọi giấy tờ tùy thân của chị hiện tại vẫn là cái tên Bùi Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1982. Đây là cái tên của người chị ruột, còn chị từ khi sinh ra đến giờ vẫn chưa được cấp giấy khai sinh.
Chị Hiền kể: Năm 1982, mẹ tôi sinh chị tôi là Bùi Thị Thanh Tuyền ra và làm giấy khai sinh tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 1984 mẹ tôi mang thai tôi nhưng vì cuộc sống khi ấy khó khăn nên mẹ tôi đã dẫn chị về xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre, quê nội tôi để chờ ngày sinh tôi.
Sinh tôi ra được vài tháng, mẹ tôi ẵm tôi lên TP.HCM sinh sống; còn chị tôi ở lại Bến Tre với nội và người cô để được chăm sóc.
Chị Hiền chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi không hiểu tại sao ba mẹ tôi không làm giấy khai sinh cho tôi mà sử dụng giấy khai sinh của chị tôi để đăng ký cho tôi đi học. Sau đó, tôi cũng dùng giấy khai sinh này đi làm CMND; và cũng với cái tên của người chị gái, tôi đã đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho các con tôi”.
“40 năm trôi qua, tôi với cái tên của chị gái vẫn sống và được cấp giấy tờ tùy thân bình thường. Đến đầu năm 2023, tôi đi đổi CMND sang CCCD thì được biết dữ liệu của tôi trùng với người chị. Lúc bấy giờ tôi mới biết một giấy khai sinh chỉ được cấp một cấp mã định danh. Và với giấy khai sinh mà hai chị em tôi đang sử dụng, chị tôi đã được cấp CCCD rồi. Tôi đi tư vấn nhiều nơi thì được hướng dẫn về UBND phường 4, quận 8 làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, nơi đây bảo không thể cấp được, giờ coi như bế tắc” - chị Hiền cho biết thêm.
Em mang tên của chị đăng ký kết hôn
Chia sẻ với PV, chị Bùi Thị Thanh Tuyền (chị gái chị Hiền) cho biết: Từ lúc 2 tuổi, chị sống chung với bà nội và người cô ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Khi ấy, quê chị còn là vùng sâu vùng xa, nên bà nội cũng không quan tâm đến việc làm giấy khai sinh. Chị Tuyền học trường làng, chỉ khai tên tuổi rồi được vào học, không cần giấy khai sinh.
Sau đó, gia đình nội chuyển về Đồng Nai sinh sống, chị Tuyền cũng được nhập khẩu và được cấp CMND (khác số CMND của chị Hiền) ở đây.
Đến năm 2005, chị Tuyền chuyển hộ khẩu về quận 10, TP.HCM và bắt đầu sinh sống tại đây. Năm 2021, chị làm thủ tục cấp đổi từ CMND sang CCCD. Đồng thời, mọi giấy tờ tùy thân của chị cũng đều lấy thông tin đúng trong giấy khai sinh của chị.
“Gần hai năm nay, em tôi rất khổ sở để đi làm lại giấy tờ tùy thân mà không được. Càng khó khăn hơn khi hiện nay ba, mẹ chúng tôi đều đã qua đời nên việc chứng minh nhân thân của em tôi cũng gặp không ít khó khăn. Mong sao các cơ quan chức năng sớm của hướng giải quyết để em tôi được cấp giấy khai sinh và thay đổi lại giấy tờ tùy thân. Hiện tại, mọi giấy tờ tùy thân của em tôi đều mang tên tôi, kể cả giấy đăng ký kết hôn. Tôi sợ nếu không thay đổi thì sau này sẽ càng khó khăn hơn” - chị Tuyền mong mỏi.
Phường bảo phải kiện ra tòa, tòa nói khó xử lý
Vì sao một giấy khai sinh mà hai chị em có thể cùng sử dụng? PV đã tìm gặp bà Bùi Thị Bo (cô ruột chị Hiền và chị Tuyền). Bà Bo kể: Hồi ấy ở quê đi học hay làm giấy tờ gì thì dễ lắm, chỉ cần khai là người ta cấp cho chứ đâu ai yêu cầu giấy khai sinh.
“Ba mẹ của cháu tôi suốt ngày chỉ lo làm ăn, cũng ít hiểu biết nên mới làm khổ con cái phải chạy ngược chạy xuôi để đi làm lại giấy khai sinh. Thôi thì ba mẹ chúng hồi xưa không hiểu biết và sự việc cũng đã xảy ra nên tôi rất mong cơ quan có hướng dẫn giấy khai sinh".
Trao đổi với PV, một cán bộ hộ tịch UBND phường 4, quận 8 cho biết trường hợp của chị Hiền rất khó giải quyết giấy khai sinh vì chúng tôi không thể xác định được người nào là Hiền, người nào là Tuyền. Trong khi tất cả hai người đều có giấy tờ tùy thân mang tên Tuyền. Để được cấp giấy khai sinh, yêu cầu bà Tuyền (thật) liên hệ tòa án để được giải quyết xác định lại cái tên. Sau khi có phán quyết của tòa án, phường mới có cơ sở giải quyết.
Sau khi được cán bộ phường 4, quận 8 hướng dẫn, chúng tôi đã cùng chị Hiền đến TAND quận 8 để nộp đơn tại tòa án theo như hướng dẫn của cán bộ phường. Tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận tại toà án cho biết trước giờ tòa này chưa tiếp nhận trường hợp như thế này và cần có thời gian nghiên cứu sau đó mới trả lời cho người dân.
Sở Tư pháp TP.HCM sẽ tiếp nhận và ‘gỡ rối’
Theo thông tin PV cung cấp, để giải quyết cấp giấy tờ hộ tịch thì bà Hiền phải cung cấp và gửi một số giấy tờ sau:
Thứ nhất, hai chị em bà Hiền cung cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân như giấy CMND, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh các con,…
Thứ hai, cả hai người làm bảng tường trình về quá trình cư trú từ trước đến nay và về mối quan hệ nhân thân.
Thứ ba, bà Hiền làm đơn đề nghị gửi Sở Tư pháp TP.HCM về việc hướng dẫn cấp giấy khai sinh. Sau khi Sở Tư Pháp TP.HCM nhận được hồ sơ sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin và xem xét giải quyết.
Ông LÊ VĂN LONG, Phó trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM