Rộ nghề nuôi sinh vật gây hại - Bài 1: Nuôi đuông ở xứ dừa

Người dân xứ dừa Bến Tre đều biết đuông dừa là một trong các loài làm dừa chết nhanh nhất. Tuy nhiên, người dân nơi đây bất chấp việc cấm nuôi sinh vật gây hại này, vẫn lén lút nuôi đuông dừa để bán cho các nhà hàng, thực khách vì giá đuông dừa rất cao, luôn hút hàng.

Tại huyện Giồng Trôm (Bến Tre), thời gian qua có một số hộ dân khá hẳn lên nhờ nuôi đuông dừa bán cho các nhà hàng.

Đến xã Lương Hòa (nơi có trên 1.000 ha dừa) để tìm hiểu việc nuôi đuông, mọi người chỉ chúng tôi đến trại nuôi đuông của bà Lữ Thị Bé ở ấp 2, người được xem là “bậc thầy” của phong trào nuôi đuông ở đây. Khu vực trại nằm lọt thỏm giữa rừng dừa, chỉ cách UBND xã Lương Hòa khoảng 100 m nhưng mãi đến tháng 8-2013, xã mới phát hiện bà này nuôi đuông. Gọi là trại nuôi nhưng thực chất đây chỉ là một căn chòi lá trống trước trống sau vừa được cất tạm trên một nền đất ẩm ướt. Trại có tổng cộng 25 xô nhựa loại 100 lít (được gọi là “nhà” đuông) được quây sơ sài xung quanh bằng một tấm lưới mỏng, phía trên có gắn nhiều bóng đèn. Trong mỗi xô nhựa nuôi năm cặp đuông bố mẹ, được đục nhiều lỗ nhỏ trên nắp đậy mà theo giải thích của bà Bé là để cho đuông “thở”. Chủ trại cho biết sẽ quây mùng lưới kín xung quanh khu vực nuôi để mở rộng quy mô, đuông con sẽ được đưa ra ngoài xô nuôi cho mau lớn, xô chỉ nhốt đuông bố mẹ để đuông khỏi bay.

Rộ nghề nuôi sinh vật gây hại - Bài 1: Nuôi đuông ở xứ dừa ảnh 1

Bà Bé giới thiệu con kiến dương do trại nuôi để đẻ trứng thành đuông dừa. Ảnh: TN

The bà Bé, con trai bà đang ở TP.HCM tự nghiên cứu tài liệu và tháng 10-2012 mang 10 con kiến dương giống giá 10.000 đồng/con về cho bà nuôi thử. Thấy dễ nuôi nên bà nhờ mua thêm khoảng 200 con nữa từ người quen ở Tiền Giang. Hiện mỗi ngày vợ chồng bà Bé đi mua củ hủ dừa và bẹ dừa người dân đốn bỏ với giá 15.000-20.000 đồng/cây về chặt ra, dùng máy chuyên dụng xay nhỏ làm thức ăn cho đuông. Mỗi tháng nếu cho ăn đủ thì một con đuông mẹ đẻ khoảng 400 trứng, với số lượng đuông giống nói trên, gia đình bà “phất” lên nhờ nuôi đuông với giá bán sỉ cho các nhà hàng tại TP.HCM là 5.000 đồng/con đuông non.

Khi chúng tôi đặt vấn đề nhiều người dân địa phương đang sợ đuông từ trại nuôi nhà bà phát tán sang vườn dừa của họ, bà khẳng định dứt khoát: “Vừa rồi đoàn kiểm tra có đến và họ không biết mới cấm. Tôi nuôi khép kín thì làm sao đuông thoát ra được!”. Thế nhưng khi bà mở một trong các thùng nuôi cho chúng tôi xem, một số con đuông bố mẹ đã nhanh chóng bay ra ngoài…

Chúng tôi tiếp tục đến huyện Bình Đại (Bến Tre), nơi có các cơ sở thu mua đuông mọc lên vài năm trở lại đây. Ông Lê Văn La, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết hiện huyện có trên 5.000 ha dừa, thời gian qua địa phương chưa nghe có trường hợp nhân nuôi, bán đuông dừa nào.

Tuy nhiên, theo chỉ dẫn của một số thương lái thu mua củ hủ dừa, chúng tôi tìm đến cơ sở chuyên cung cấp đuông dừa “Hậu” ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận để hỏi mua đuông dừa, một người xưng là vợ anh Hậu đưa chúng tôi đi xem nơi tập kết đuông nằm ngay trước nhà. Khoảng 20 chiếc thau nhựa nuôi nhốt đuông non nằm la liệt trên nền gạch, được che chắn sơ sài bằng lưới mỏng, mỗi thau có hàng trăm con đuông non đang bò lúc nhúc trong các mảnh bẹ dừa, củ hủ dừa băm vụn. Theo người phụ nữ này, số đuông này có nguồn gốc từ quá trình thu mua củ hủ dừa, được bán lại với giá 5.000 đồng/con. Sau khi chế biến, các nhà hàng sẽ bán cho thực khách với giá 15.000-20.000 đồng/con.

Cấm nuôi, buôn bán đuông dừa

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre), cho biết sau khi biết thông tin, Chi cục đã đến xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm) lấy mẫu gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam. Sau đó trung tâm báo cáo Cục Bảo vệ thực vật.

Rộ nghề nuôi sinh vật gây hại - Bài 1: Nuôi đuông ở xứ dừa ảnh 2

Đuông dừa, món khoái khẩu của nhiều người.

Tại công văn ngày 27-9-2013, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo “nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán đuông dừa dưới mọi hình thức”. Cục cũng chỉ đạo sở kiểm tra, phát hiện thu gom, tiêu hủy toàn bộ và xử phạt đối với các hộ nuôi đuông. “Với trường hợp nuôi đuông đã phát hiện, chúng tôi sẽ cùng với huyện tuyên truyền, vận động hộ này tự tiêu hủy” - ông Hùng nói.

Sau mùa giao phối, bọ kiến dương thường chọn cây dừa sung sức để khoét ngọn, sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng và lớn dần nhờ ăn củ hủ dừa vừa mềm vừa bổ cho đến khi xuyên thủng ngọn dừa, làm cây dừa kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết.

TẤN QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm