Chương trình này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 chủ đề: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức tại Hà Nội.
Xuất hiện với chiếc áo dài trắng, Sophia đã trả lời 3 câu hỏi tại Diễn đàn cấp cao về cuộc cách mạng 4.0. Mở đầu phần giao lưu, Sophia nói: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”.
Công nghệ sáng tạo cần khuôn khổ chính sách
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để không tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0?, Sophia nói: Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên cách mạng 4.0. Việt Nam cần có sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững nhanh hơn. Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, khai thác đúng mức phù hợp trong bối cảnh Internet phổ biến. Công nghệ giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, các hoạt động kinh tế.
“Công nghệ sáng tạo ở các quốc gia như Việt Nam cần khuôn khổ chính sách. Chính phủ cần chú trọng khu vực tư nhân, các tổ chức như UNDP, các tổ chức cộng đồng… đảm bảo cho công nghệ như thế này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Sophia nói.
Cũng theo Sophia, thách thức của cuộc cách mạng 4.0 liên quan đến thất thoát công ăn việc làm, sự nguy hiểm công nghệ giám sát, những người có quyền và tiền trong xã hội có nhiều cơ hội lợi thế hơn. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo hệ thống luật pháp để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Trong cuộc cách mạng 4.0 con người cần trang bị kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cuộc cách mạng này. Công nghệ giúp cho chúng ta có những lợi ích, cơ hội cho người nghèo.
Người máy Sophia trả lời các câu hỏi của báo chí.
Việt Nam sẽ là một trong những hình mẫu đi đầu cho thế giới cần noi theo trong việc ứng dụng công nghệ. Công nghệ sẽ tạo công ăn việc làm mới cho các bạn chứ không phải tước đoạt đi công ăn việc làm này.
Hiện tại chúng ta có thể thấy điện thoại thông minh mang lại rất nhiều tiện ích cho đời sống. Công nghệ mang lại tiện ích cho đời sống như taxi công nghệ, robot thực hiện tác nghiệp khó trong cuộc phẫu thuật có trình độ cao, hỗ trợ cho trẻ em trong bối cảnh khó khăn...
Người trẻ cần phải sẵn sàng trước thách thức của thế giới
Được hỏi về thách thức, cơ hội nào dành cho thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng 4.0?, Sophia cho rằng Thách thức thì rất là nhiều. Chúng ta có thể thấy những người trẻ tuổi cần có nhu cầu kiếm công ăn việc làm để hòa nhập trong cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực công nghệ, toán học, công trình...
Thế hệ trẻ cần có kỹ năng của thế kỷ 21, có thể kể đến như kinh doanh. Tôi nhận thấy thấy Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là một trong những xu hướng rất tuyệt vời. Các bạn sẽ làm tốt để đón đầu công nghệ trong tương lai.
Người trẻ cần phải sẵn sàng trước thách thức của thế giới. Chúng ta sẽ không đạt được những mục tiêu phát triển nếu để những người trẻ bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta cần tham gia khu vực tư nhân để trang bị kỹ năng mới hướng tới phát triển công nghệ. Chúng ta phải phát triển những công nghệ mới. Không thể dừng lại. Dừng lại chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta cần tìm ra những cách thức ứng dụng công nghệ như giao thông vận tải rẻ ví dụ như Grab, Uber… Khi đó các bạn có những cơ hội mới trong cuộc sống.
Công nghệ giúp tương tác với con người, giúp các bạn có ý tưởng mới cải thiện cuộc sống. Công nghệ tạo điều kiện để chúng ta kết nối con người với con người, tạo dựng mối quan hệ đối tác. Thách thức cũng là cơ hội, điều này chúng ta phải biết rõ.
Chính phủ Việt Nam phải có những ưu tiên rõ ràng trong các lĩnh vực như giáo dục, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ phải giải quyết nút thắt hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam.
Sophia được kích hoạt vào ngày 19-4-2015 và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3-2016 tại Lễ hội South by Southwest ở Austin, Taxas, Mỹ. Sophia được Ả Rập Xê-út cấp quyền công dân như con người. |