Rối loạn tâm thần không chỉ là tâm thần phân liệt, động kinh

(PLO)- Rối loạn tâm thần không chỉ là tâm thần phân liệt, động kinh mà còn là những biểu hiện như lo âu, trầm cảm, loạn thần do rượu,…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-6, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức hội thảo Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP.HCMtrong khuôn khổ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ năm 2023.

TS Lại Đức Trường, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết trên thế giới cứ tám người sẽ có một người mắc chứng tâm thần. Đặc biệt tại Việt Nam, tỉ lệ này cũng tương đương mặt bằng chung trên thế giới.

Hội thảo Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hội thảo Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đáng chú ý, người dân dễ nhầm tưởng tâm thần là chứng rối loạn tâm thần nặng (điên loạn). Tuy nhiên những biểu hiện như lo âu, trầm cảm, loạn thần do rượu cũng được coi là rối loạn tâm thần. Năm 2020, do COVID-19, tỉ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn thế giới tăng lần lượt 26% và 28%.

“Nhận thức người dân chưa đúng một phần do bao lâu nay ta chỉ tập trung nỗ lực điều trị tâm thần loại nặng (tâm thần phân liệt, động kinh) mà bỏ quên những loại tâm thần nhẹ có thể chữa khỏi” - ông Trường nhận định.

Theo ông Trường, nước ta có khoảng 14 triệu người mắc chứng rối loạn tâm thần, chiếm khoảng 14,1 % dân số. Trong khi đó, theo thống kê năm 2020, có khoảng 1.000 BS chuyên khoa tâm thần, chủ yếu tập trung ở trung ương và các TP lớn, không tập trung ở các tuyến y tế cơ sở.

Ông Trường nói: “Hiện nay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được lồng ghép vào hệ thống chung. Tại y tế tuyến huyện hầu như chưa có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc điều trị bằng thuốc hay tâm lý trị liệu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra nước ta còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các đối tượng đặc biệt sau thảm họa, thiên tai như dịch COVID-19 vừa qua”.

Người dân chờ khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: XM

Người dân chờ khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: XM

Nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, ông Trường đưa ra các khuyến nghị như cung cấp dịch vụ cho tất cả các rối loạn tâm thần thường gặp và cho tất cả các đối tượng; Lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe chung, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tăng cường dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần.

BS Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM, cho biết mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng ở TP.HCM bao gồm BV Tâm thần, sau đó là 21 phòng khám tâm thần quận/huyện và 312 trạm y tế.

Riêng tại BV Tâm thần có 64 BS tâm thần, 150 điều dưỡng và 15 chuyên viên tâm lý. Thời gian tới, BV sẽ triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần về tới tận trạm y tế để bệnh nhân thuận tiện lãnh thuốc và được chăm sóc bởi y tế cơ sở. Ngoài ra triển khai đơn vị Phục hồi chức năng ở cấp quận/huyện.

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần

Trạng thái sức khỏe tốt nhất là trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần. Hiện sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề chưa được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ đúng mức so với vấn đề về bệnh tật, thể chất. Do đó việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân là một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành y tế TP sẽ cố gắng tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm