Trong trường hợp chẳng may sơ suất làm mất sổ hồng thì gia chủ cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Chưa kể nhiều rủi ro có thể xảy ra nếu sổ bị rơi vào tay kẻ gian.
Nếu sổ hồng rơi vào tay người khác, trường hợp xấu có thể xảy ra là người này đem giấy tờ này đi giao dịch mua bán BĐS đó bất hợp pháp, lách luật bằng cách thông qua giấy tay hoặc đem sổ cầm cố để vay vốn.
Chính vì thế, nếu bị mất sổ hồng thì người dân phải ngay lập tức khai báo với cơ quan chức năng. Theo luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trường hợp hộ gia đình và cá nhân bị mất sổ hồng cần phải khai báo ngay với UBND cấp xã nơi có BĐS. UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo việc mất giấy chứng nhận tại trụ sở ủy ban, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải đăng tin mất giấy tờ trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết thông báo trên tại trụ sở ủy ban đối với hộ gia đình, cá nhân và ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… mà không tìm lại được giấy tờ thì bên bị mất sổ sẽ nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ hồng.
Hồ sơ xin cấp lại sổ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận theo mẫu số 10/ĐK; giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tờ chứng minh đã đăng tin ba lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. “Đối với trường hợp mất sổ hồng do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó” - luật sư Minh cho biết thêm.