Sai phạm của dàn cựu lãnh đạo Bộ Y tế trong vụ ‘thụt ngân sách’ 3,8 triệu USD

(PLO)- Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng cấp dưới biện minh do “bận nhiều việc” nên dẫn tới thiếu sót, không phát hiện Công ty dược Cửu Long “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD của ngân sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố tám bị can trong vụ án sai phạm liên quan đến việc mua thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch cúm A/H5N1, xảy ra từ năm 2006.

Kết luận cho thấy, theo đặt hàng của Bộ Y tế, từ tháng 2 đến tháng 4-2006, Công ty dược Cửu Long nhập nguyên liệu, sản xuất 2,5 triệu viên Oseltamivir. Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A – Bộ Y tế đã thanh toán tổng cộng hơn 143 tỉ đồng cho Dược Cửu Long.

Đáng chú ý, quá trình nhập nguyên liệu, Dược Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài đồng ý giảm giá với số tiền hơn 3,8 triệu USD. Lẽ ra, Dược Cửu Long phải báo cáo lại với Bộ Y tế, nhưng dưới sự chỉ đạo của tổng giám đốc Lương Văn Hóa, công ty này “giấu nhẹm” thông tin, nhằm “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD nêu trên.

Theo cơ quan chức năng, số tiền hơn 3,8 triệu USD là khoản chênh lệch giá, Dược Cửu Long phải nộp lại ngân sách. Nhưng vì công ty không thực hiện, nên đây chính là thiệt hại của vụ án, đến nay số tiền vẫn chưa thể thu hồi.

BBa bị can Cao Minh Quang, Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên (từ trái qua). Ảnh: CA
Ba bị can Cao Minh Quang, Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên (từ trái qua). Ảnh: CA

Bận nhiều việc nên thiếu sót (!)

Thời điểm xảy ra vụ án, cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang được giao làm trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi kiểm tra các vấn đề liên quan, ông Quang phát hiện Dược Cửu Long còn nợ nhà cung cấp số tiền hơn 3,8 triệu USD, nhưng ông lại không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Tiếp đó, Bộ Tài chính có công văn đề nghị kiểm tra, ông Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện để thu hồi cho nhà nước số tiền mà Dược Cửu Long được giảm giá.

Đến khi ký báo cáo gửi Thủ tướng, ông Quang vẫn không chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế kiểm tra lại việc thanh toán tiền mua nguyên liệu của Dược Cửu Long để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc kiểm tra tài chính là của thứ trưởng phụ trách tài chính, không thuộc nhiệm vụ mình được giao. Nhưng vì "bận nhiều việc", ông Quang không đề xuất hay giao đơn vị chức năng kiểm tra tiếp.

Quá trình điều tra, ông Quang thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện kiến nghị của Bộ Y tế nên không biết Dược Cửu Long đã được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD. Bị can xin tự nguyện khắc phục hậu quả.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định ông Quang đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, nên cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi truy tố, xét xử.

Số tiền hơn 3,8 triệu USD là khoản chênh lệch giá, lẽ ra Dược Cửu Long phải nộp lại ngân sách, nhưng vì công ty không thực hiện nên đây chính là thiệt hại của vụ án. Ảnh: T.H

Số tiền hơn 3,8 triệu USD là khoản chênh lệch giá, lẽ ra Dược Cửu Long phải nộp lại ngân sách, nhưng vì công ty không thực hiện nên đây chính là thiệt hại của vụ án. Ảnh: T.H

Vụ trưởng, vụ phó đều không làm hết trách nhiệm

Về phía mình, ông Dương Huy Liệu (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính) được Bộ Y tế phân công làm trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H5N1. Ông Liệu cũng là người đại diện Bộ Y tế ký hợp đồng và thanh quyết toán với các đơn vị tham gia kế hoạch sản xuất thuốc Oseltamivir.

Ông Liệu thừa nhận trong hợp đồng có điều khoản quy định khi được giảm giá thì Dược Cửu Long phải báo cáo Bộ Y tế để điều chỉnh giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, do "bận nhiều việc", tin tưởng vào sự kiểm tra, giám sát của ban quản lý nên bị can đã không kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện điều khoản giảm giá, dẫn tới không biết Dược Cửu Long đã được giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD.

Tương tự, ông Nguyễn Nam Liên (cựu phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính) được phân công nhiệm vụ phó trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H5N1, phụ trách tài chính. Ông Liên có trách nhiệm thay mặt ban ký thanh quyết toán hợp đồng với Dược Cửu Long.

Quá trình điều tra, ông Liên khai do thời gian đã lâu nên không nhớ có yêu cầu Dược Cửu Long báo cáo việc đàm phán giảm giá mua nguyên liệu hay không. Tuy vậy, bị can này thừa nhận có thiếu sót khi đối chiếu, thanh lý hợp đồng, dẫn đến không biết Dược Cửu Long giữ lại hơn 3,8 triệu USD được giảm giá.

Cơ quan điều tra kết luận hai bị can Liệu và Liên không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách được giao, phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cả hai đều thừa nhận vi phạm, thành khẩn khai báo nên được đề nghị xem xét giảm nhẹ khi truy tố, xét xử.

"Không có cơ sở xử lý hình sự ông Trương Quốc Cường"

Vẫn theo kết luận, ông Nguyễn Việt Hùng (cựu phó cục trưởng Cục Quản lý Dược) được giao làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành. Ông Hùng phát hiện Dược Cửu Long giữ lại 3,8 triệu USD nhưng không kiến nghị kiểm tra tiếp.

Sau khi Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục kiểm tra, do cựu thứ trưởng Cao Minh Quang không chỉ đạo tổ chức kiểm tra tiếp, nên ông Hùng phải thực hiện theo.

Cơ quan điều tra nhận định ông Hùng có thiếu sót nhưng "là cấp dưới phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên”, chưa đến mức phải xử lý hình sự, sẽ kiến nghị xử lý bằng hình thức khác.

Ngoài ra, một nhân vật khác tại Bộ Y tế cũng được đề cập là ông Trương Quốc Cường (cựu cục trưởng Cục Quản lý Dược).

Ông Cường nhận được văn bản của Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra tiếp đối với Dược Cửu Long, nhưng vì ông Quang không chỉ đạo kiểm tra nên ông Cường phải làm theo chỉ đạo.

“Ông Cường đã giao ông Hùng trực tiếp báo cáo ông Quang để tham mưu báo cáo gửi Thủ tướng, nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự” – kết luận điều tra nêu.

Hiện nay, cả hai ông Cường và Hùng đang bị xét xử trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý Dược và một số đơn vị liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...