Sao không còn chút gì để nhớ?!

Đáng nói là tình trạng vừa nghe quên liền, chưa nói xong đã hết nhớ điều muốn nói của người còn trẻ, thậm chí bề ngoài coi rất khỏe, đã từ lâu vượt xa mức báo động.

Nhiều người đang quên tuốt luốt, quên vào sở đúng giờ, quên công việc được giao, thậm chí quên cả gia đình đến độ sau giờ làm việc phải ngồi lại hàng giờ ở bàn nhậu để cố nhớ đường về mái nhà xưa. Có người quên hết đến độ mỗi tháng chỉ còn nhớ có mỗi ngày... lãnh lương! Không lửa khó có khói, dưới đây là một số lý do khiến trí nhớ của người chưa già như ngọn đèn trước gió.

Quên hết vì thiếu ngủ!

Trái với gia chủ, bộ não cần giấc ngủ để... làm việc! Tất cả tín hiệu thần kinh trong ngày được bộ não tập trung nhưng để đó. Chính trong lúc ngủ là lúc não sàng lọc để đưa vào bộ nhớ, thường ưu tiên cho tín hiệu nào có đi kèm nhiều cảm xúc. Giấc ngủ vì thế, theo hiểu biết mới nhất của ngành y, là giai đoạn tốt nhất để học tập và sáng tạo. Nhưng muốn được vậy thì giấc ngủ phải sâu, phải ngon đến độ có nhiều giấc mơ. Khéo hơn nữa là làm sao để có được giấc ngủ trưa. Không cần ngủ lâu (không cần hơn 30 phút) đã đủ để chuẩn bị phần cứng của não bộ. Chính vì chất lượng của trí nhớ gắn liền mật thiết với độ sâu của giấc ngủ, theo kết quả nghiên cứu ở ĐH Schleiweg-Holstein, mà người mất ngủ mất luôn trí nhớ. Đó là lý do khiến người cao niên dễ quên vì người già bên cạnh việc ngủ ít thường khó ngủ sâu.

Đừng tự đầu độc bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ.

Não cũng như cá

Não tuy nhỏ về kích thước và trọng lượng nhưng xài lớn. Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể riêng cho chức năng tư duy. Não vì thế rất cần nước và chất đường cho phản ứng biến dưỡng sinh năng. Theo các chuyên gia ở ĐH Erlangen, uống không đủ nước trong ngày, lại thêm bữa ăn chiều thiếu chất ngọt là một trong các lý do thường gặp khiến tín hiệu thần kinh cứ như nước đổ đầu vịt cho dù nạn nhân vét túi mua thuốc theo quảng cáo “dưỡng não”!

Có thực mới vực được đạo

Bên cạnh nước và đường, chất béo loại cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh như 3-Omega, acid linoleic... là món ăn chính của bộ não. Đừng tưởng cữ béo tốt cho não. Trái lại là khác! Tăng mỡ máu tất nhiên bất lợi cho sức khỏe. Nhưng thiếu mỡ trong cơ thể cũng tai hại tương tự. Chính vì thế đãng trí là chuyện thường tình ở người kiêng cữ thái quá để sụt cân cho bằng được vì tưởng muốn đẹp phải thon. Thêm vào đó não không thể dán tín hiệu thần kinh, dù là hình ảnh hay âm thanh, vào bộ nhớ nếu thiếu dưỡng khí. Chính vì thế nhiều thầy thuốc khuyên dùng cây thuốc có công năng cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não bộ như nhân sâm, bạch quả, việt quất..., ngay cả cho người chưa phát hiện triệu chứng đụng đâu quên đó.

Ngồi yên não sớm về hưu

Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy người vận động thể dục thể thao ít quên hơn người thích ngồi yên tư lự. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa ở Mỹ, vận động trong ngày là điều kiện để bộ não không thiếu dưỡng khí trong đêm. Người ta cũng đã chứng minh là tỉ lệ tai biến mạch máu não cũng như bệnh trầm uất thấp hơn thấy rõ ở nhóm người bước vào tuổi trung niên nhưng hăng hái hoạt động. Không cần nhiều nhưng đều đặn. Cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, khí công, kiểu nào cũng được..., càng đa dạng càng hay miễn là ngày nào cũng có.

Cô đơn là thuốc độc

Chuyên gia về bệnh Alzheimer ở ĐH Stuttgart quả quyết là trí nhớ không mai một theo tuổi đời nếu như người từ độ tuổi về hưu vẫn giữ được mối liên hệ mật thiết với người thân, bạn bè. Người càng có nhiều hoạt động xã hội càng có trí nhớ tốt. Bằng chứng là đa số nạn nhân của bệnh trầm uất là đối tượng trước đó hoặc tự ý tách rời khỏi cộng đồng vì quan điểm sai lầm theo kiểu “mình già rồi nên an phận”, hoặc bị biệt lập một cách oan uổng với người xung quanh do định kiến “người già khó hợp với trẻ”.

Trăm hay không bằng tay quen

Muốn não bén nhọn mà không tập luyện thì chẳng khác nào đi thi chưa học bài! Với hình thức nào cũng được, chơi ô chữ, sudoku, học ngoại ngữ, vẽ tranh... kiểu nào cũng tốt, càng nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước máy truyền hình vì đó là hình thức tai hại vô cùng cho bộ não, ngay cả ở người còn trẻ, ngay cả ở trẻ con!

Già néo đứt dây

Stress rõ ràng là “mốt” trong cuộc sống được tiếng văn minh. Chỉ khổ cho não bộ vì một trong các phản ứng phụ của nội tiết tố nảy sinh trong tình huống stress có tác dụng bôi sạch bộ nhớ, chẳng khác nào virus trong máy tính. Do đó cần tìm cách pha loãng stress bằng thể dục thể thao, thiền định, kiểu nào cũng được miễn vui là chính. Thêm vào đó, đừng tự đầu độc bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ... Với bộ não ngập rác thì quên là cái chắc vì đâu còn chỗ nào để nhớ!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm