Ngày 6-5, tại hiện trường vụ lở đá làm sáu người thiệt mạng và hai người bị thương ở đường lên đỉnh núi Cấm (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), nhiều tảng đá lớn hàng trăm tấn vẫn nằm ngổn ngang. Một tảng đá nằm kế bên bờ vực, một tảng đá lớn hơn nằm chông chênh có thể ngã trượt bất cứ lúc nào. Nếu không kịp thời xử lý, đá rất có thể còn lăn tuột gây hại cho người dân sống dưới suối Thanh Long.
Nguy cơ sạt lở vẫn còn đó
Ông Phạm Việt Tân, trưởng ấp Vồ Đầu, cho biết buổi sáng có đoàn của Công ty CP Phát triển du lịch An Giang đi khảo sát vị trí khối đá lớn bị sạt lở. Qua đó cho thấy tảng đá lăn lớn hơn nhiều so với tảng đá chịu lực dưới chân của nó. Lâu ngày mưa lún nên sức đè của nó càng lớn. “Tại hiện trường tui thấy vẫn còn cục đá khá lớn nằm kế vực sâu, nếu không sớm xử lý nó có thể lăn tiếp xuống suối Thanh Long. Nó mà xuống tới đó thì coi chừng hậu quả lớn xảy ra. Đường đá tuột cũng còn nhiều tảng chông chênh nguy hiểm.
Tảng đá hàng trăm tấn này đứng khá chông chênh có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Ảnh: VĨNH SƠN
Các cơ quan chức năng cần sớm xử lý những tảng đá này, nhằm tránh hậu quả có thể xảy ra tiếp theo” - ông Tân kiến nghị. Chiều cùng ngày, trời đổ mưa càng khiến cho những tảng đá ở hiện trường dễ chảy tuột. Ngoài ra, họ còn cho biết vách núi Cấm chạy dọc theo con đường lên đỉnh núi hiện còn rất nhiều tảng đá hỏng chân. “Có hai dạng đá đang là mối đe dọa gây tai nạn là các loại đá dăm nhỏ, đeo bám vách núi. Loại này hầu như năm nào cũng rớt xuống đường. Tuy nhiên, nhờ nó rớt vào ban đêm và ở độ cao thấp nên chưa có thương vong. Còn ngay tại đoạn vồ Cứu Nạn (nơi xảy ra tai nạn tuột đá) vẫn còn ba cục đá chết. Đá chết là những tảng đá nằm cheo leo không có cây mọc trên đó. Thông thường chân chịu của nó rất yếu. Nó lại nằm ở rất cao, nếu không kịp xử lý thì đá tuột sẽ còn xảy ra” - ông Tân cảnh báo.
Đi lại vẫn ngưng trệ
Sáng 6-5, chúng tôi chạy xe máy lên đỉnh núi Cấm. Lúc này một số người dân trên núi và khách bộ hành vẫn còn lên xuống, đi băng ngang những tảng đá, trông hết sức nguy hiểm. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, tại cổng gác ngăn ngang đường lên núi treo bảng cấm người và phương tiện lên núi.
Anh Bùi Văn Đen, chủ vựa trái cây dưới chân núi Cấm, cho biết sự cố đá tuột ngày 5-5 đã khiến trái cây, măng tre của nhà vườn trên núi không thể chuyển xuống bán. Hiện đang vào mùa vía Bà chúa xứ nên các loại hoa màu, hoa quả bán được giá. Tuy nhiên, bị sự cố đá tuột ngăn mất con đường vận chuyển, nếu để càng lâu thì thiệt hại cho nhà vườn càng lớn. Trên núi Cấm có gần 4.000 dân thì khoảng 70% là làm vườn, làm rẫy. Do vậy, thiệt hại này là rất lớn.
Chị Trần Thị Bích Thủy, chủ quán bán bánh xèo, cơm nước trên đỉnh núi Cấm (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo), cho biết từ hôm qua đến giờ khách đến ăn uống vắng bặt. Chị mong các cấp chính quyền sớm khắc phục, tạo điều kiện cho dân đi lại và làm ăn sinh sống.
Vào chùa Vạn Linh nằm chót vót trên đỉnh núi Cấm, chúng tôi thấy rất nhiều Phật tử đi lễ từ hôm xảy ra tai nạn tuột đá đến giờ còn kẹt lại. “Nhà chùa đang xây chánh điện nhưng bị đá chắn ngang đường nên làm sao chuyển được vật liệu. Do đó việc thi công bị ngưng trệ. Mấy Phật tử ở đây cũng bị kẹt chưa biết làm sao chạy xe xuống” - thầy Hoằng Xưng, quản chúng chùa Vạn Linh, phản ánh.
Cần có giải pháp căn cơ
Núi Cấm này mỗi ngày có trên chục ngàn lượt khách đến, nếu không khắc phục triệt để mà tới đây tai nạn vẫn xảy ra thì còn ai dám lên núi. Ông Tân đề nghị cần khảo sát toàn bộ vách núi chạy theo con đường để có giải pháp an toàn triệt để, lâu dài. “Dân trên núi chở trái cây lên xuống núi thường sợ nhất là đoạn dốc Bốn Ngàn. Bởi tại đây năm nào cũng có đá tấn rơi xuống làm chết người. Tôi nghĩ nên dùng máy khoan ép để tách những tảng đá cheo leo xuống. Còn đá nhỏ thì lấy ra” - ông Tân chỉ cách.
Ông Tân còn lưu ý chẳng những xử lý vách núi dọc con đường mà vách taluy ngoài con đường xuống vực đến suối Thanh Long cũng cần xử lý. Bởi hiện nay còn rất nhiều đá phế thải khi thi công đường xả đại bên vách núi. Có nơi đổ xuống chân núi đá xô bồ lấp vườn dân, không ai trồng cây được. Năm 2006 đã có một số bà con kéo xuống xã khiếu nại về chuyện đá chày lấp làm thiệt hại cây trái của họ. “Lúc đó bên công ty có hỗ trợ tiền cây giống nên bà con thôi khiếu nại. Nhưng đó cũng là vấn đề cần xử lý, bởi không khéo nó tuột chày xuống tận nhà dân thì thiệt mạng như chơi” - ông Tân đề xuất.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các cơ quan chức năng và địa phương lập đoàn khảo sát. Ngày 7-5, đoàn này sẽ tiến hành. Khi khảo sát toàn vách núi thì mới đề ra giải pháp, trên tinh thần là xử lý triệt để và phục vụ lâu dài. Cấm mọi hoạt động đi lại qua nơi tuột đá cho đến khi nào xử lý xong mới thôi.
Đã từng có sạt lở núi Ông Phạm Việt Tân kể chuyện đá chày, đá rơi, đá tuột, lăn trên núi Cấm diễn ra như cơm bữa. Hầu hết đá dạng vài trăm ký đến vài tấn, tuột chày vào ban đêm, vào vườn nên không thiệt hại về người. Trên núi Cấm thì sự cố sạt lở núi, đá tuột gây thiệt hại lớn đến nay là lần thứ hai. Vào năm 1983, tại cửa núi (cửa Sơn Thần) bên suối Thanh Long thuộc ấp Thiên Tuế xảy ra trận chày đá lớn lần đầu. Hàng chục khối đá lớn nhỏ bị nước mưa ứ nhiều ngày đẩy tuột chạy dài khoảng 6 km. Đá đẩy sập hai căn nhà, kéo theo hai sư cô ra tận Láng Cháy chết. Bà Tạ Thị Búa (Tám Búa) đến hiện trường xem, đứng ngay khối đá chông chênh bị nó lăn xuống làm gãy một chân. Trận đó người ta gọi là sạt lở núi. |
VĨNH SƠN