Lúc 19 giờ tối 30-10, vị trí tâm bão số 5 cách Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khoảng 80 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.
Đưa hàng ngàn dân tới nơi an toàn
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định ở vùng biển phía tây khu vực giữa biển Đông trong tối và đêm 30-10 có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, có nơi gió giật cấp 12, sóng biển cao 3-5 m,
Trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, bắc Khánh Hòa có gió giật đến cấp 11; Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk sức mạnh của gió cũng từ cấp 7 đến cấp 10.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lúc 18 giờ chiều 30-10, ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nơi dự kiến bị bão số 5 đổ bộ, cho hay các xã phía bắc của thị xã Sông Cầu cũng là cực bắc tỉnh Phú Yên đã cảm nhận được sức mạnh của bão.
Tại xã Xuân Hải giáp ranh với TP Quy Nhơn (Bình Định), gió quật mạnh, sóng biển cũng dâng cao. “Sóng đã bắt đầu đánh dữ dội vào khu triều cường các xã Xuân Hải, Xuân Hòa. Chúng tôi đã sơ tán toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm” - ông Đào Mỹ thông tin.
Theo chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chính quyền nơi đây đã đưa hơn 3.000 người nuôi tôm, cá bằng lồng bè trên biển vào bờ tránh bão. Ngoài ra, thị xã Sông Cầu còn sơ tán hơn 830 hộ gia đình với gần 3.000 người ở các vùng xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn… Tính chung, đến cuối ngày, tỉnh Phú Yên đã cưỡng chế đưa hơn 1.200 người trên các lồng bè nuôi thủy sản vào bờ, đồng thời tổ chức sơ tán hàng trăm hộ gia đình ở vùng xung yếu đi tránh bão.
Tại Bình Định, để chủ động phòng, chống bão số 5, tỉnh đã cấm biển từ 15 giờ chiều 29-10. Còn tại Khánh Hòa, nơi đây đã di dời 80% số lượng lồng bè và 830 hộ dân/3.200 người ở một số khu vực nguy hiểm.
Người dân thị xã Sông Cầu khẩn trương ứng phó với bão số 5. Ảnh: T.LỘC - An hiền
Có nơi lượng mưa trên 600 mm
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến ngày 30-10 vẫn còn 557 tàu/6.230 người đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Có hai tàu bị sự cố là tàu BĐ 98413 TS/06 LĐ đang được các tàu trong tổ đội hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm và tàu BĐ 96389 TS/08LĐ hiện đã được lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.
Trong ngày 30-10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, neo đậu, tránh trú an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hôm nay (31-10), bão đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía bắc Khánh Hòa sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền rồi tan hẳn trên khu vực Campuchia.
Từ ngày 31-10, ở khu vực phía nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to; khu vực phía bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa có nơi lên trên 250 mm/đợt. Ở các tỉnh, thành từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên thậm chí mưa to hơn, có nơi trên 600 mm/đợt.
Tại các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh thuộc thị xã Sông Cầu, nơi được xem là thủ phủ tôm hùm, người dân tập trung hạ các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú xuống sát đáy biển đề phòng bị bão đánh tan, tôm, cá bị sốc nước ngọt. Nhiều người thu hoạch tôm hùm bán chạy bão. Ông Phan Hoài (ngụ thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương) thu hoạch hơn 400 con tôm hùm, cân bán cho thương lái với giá 700.000 đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với mấy ngày trước. “Đành chấp nhận bán tôm với giá thấp, chứ nếu để lại sợ bão đánh tan lồng bè thì mất trắng” - ông Hoài nói. |