Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM vừa cho biết Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản gửi VKSND Cấp cao xem xét lại vụ án.
Theo nội dung văn bản gửi VKSND Cấp cao, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thể hiện quan điểm không đồng tình với bản án đã tuyên của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bởi hành vi của bị cáo là phạm tội với trẻ em, phạm tội nhiều lần với nhiều người. Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đây là bản án không có tính răn đe, bởi lẽ đã xâm hại trẻ em tức là vi phạm Điều 6, khoản 3, Luật Trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Việc tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ với người là Đảng viên, người già yếu là không thể chấp nhận được. Bởi là Đảng viên phải làm gương. Tòa đáng ra phải áp dụng tình tiết tăng nặng vì phạm tội với trẻ em, phạm tội nhiều lần đối với nhiều người. Ngoài ra, đã kết tội là “dâm ô” thì không thể tuyên phạt mức án treo, cho dù sức khỏe già yếu như thế nào.
Luật sư Nữ khẳng định bản thân bà và Hội sẽ đi đến cùng vụ việc này.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-5 vừa qua. Ảnh: L.THANH
Trước đó, ngày 11-5, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét thấy rằng chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết bị cáo Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với bé gái thứ hai. Từ đó HĐXX đã quyết định sửa một phần án sơ thẩm để tuyên bị cáo Thủy mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng. (Trước đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thủy 3 năm tù giam)
Phán quyết của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gây bức xúc trong dư luận. Cho rằng bản án 18 tháng tù là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nhiều người đã gửi đơn tới Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Hội vào cuộc.
Đáng chú ý, theo điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của HĐTP TAND Tối cao có nêu rõ khi xem xét, quyết định cho người bị án phạt tù được hưởng án treo cần lưu ý không áp dụng án treo cho tội phạm bị dư luận xã hội lên án để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung…