Sinh viên ấp ủ khởi nghiệp từ hạt hồ tiêu, xe đạp

(PLO)- Nhiều dự án khởi nghiệp đã giành được những giải thưởng cao, có dự án nhận được đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-10, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức “Ngày hội đổi mới sáng tạo và kết nối dự án khởi nghiệp - IU Innovation story day 2022”.

Ngày hội hướng tới Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM (ngày 10 đến 15-10-2022), kỷ niệm 20 năm thành lập trường và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên (SV) của nhà trường.

Ứng dụng chẩn đoán bệnh ngoài da

Tại đây, các cựu SV, SV, học viên có dịp được trưng bày những sản phẩm dự án sáng tạo để khởi nghiệp của chính mình. Đồng thời, các em sẽ giới thiệu, thuyết trình thông tin từng dự án để kết nối đến hội đồng đánh giá, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp.

Những dự án của sinh viên thu hút sự quan tâm của nhiều quan khách, chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM ANH

Những dự án của sinh viên thu hút sự quan tâm của nhiều quan khách, chuyên gia,
doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM ANH

Ngày hội quy tụ bốn dự án ươm tạo, sáu dự án nghiên cứu tiêu biểu từ sáu khoa/bộ môn (điện tử viễn thông, kỹ thuật và quản lý xây dựng, vật lý…).

Đổi mới sáng tạo không giới hạn

SV cần tự tin vì đổi mới sáng tạo không giới hạn ở một định nghĩa nhất định là đúng hay sai. Các em hãy luôn cởi mở, học hỏi để mở rộng biên giới kiến thức của mình để có được những ý tưởng thiết thực chuẩn bị khởi nghiệp, thành công trong tương lai.

PGS-TS LÊ VĂN CẢNH

Trình bày về dự án Skin detective, đại diện nhóm Nguyễn Hoàng Phúc cho biết dự án là ứng dụng chẩn đoán bệnh ngoài da, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và liên kết với bác sĩ da liễu. Cốt lõi của ứng dụng là tích hợp AI có khả năng tự động phân tích tình trạng da và bệnh về da của bệnh nhân, giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh, cung cấp thông tin để chăm sóc da hiệu quả. Dự án do các giảng viên, học viên, SV Khoa kỹ thuật y sinh kết hợp với các bác sĩ da liễu thuộc BV ĐH Y Dược TP.HCM (Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện.

Theo Hoàng Phúc, dự án này vừa lọt vào top 5 cuộc thi AI Tech Matching năm 2022 và nhận được đầu tư từ chương trình tăng cường thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation) với số tiền lên đến 200 triệu đồng. Đồng thời, dự án đã đạt giải quán quân cuộc thi Medical technovation 2022 do làng công nghệ y tế và giải pháp sáng tạo tổ chức với tổng giải thưởng là 35 triệu đồng.

Tận dụng sản phẩm từ hồ tiêu

Một dự án khác đáng chú ý liên quan đến nông nghiệp nhằm nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cây hồ tiêu có tên PEPPER REVOLUTION. Dự án do nhóm sinh viên Khoa công nghệ sinh học của trường thực hiện trước đó đã giành hai giải thưởng là giải nhất cuộc thi IU start up demo day của trường và giải ba cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Các sản phẩm của dự án từ hạt hồ tiêu được trưng bày tại ngày hội. Ảnh: PHẠM ANH

Các sản phẩm của dự án từ hạt hồ tiêu được trưng bày tại ngày hội. Ảnh: PHẠM ANH

Em Châu Vi Lâm, đại diện nhóm, cho biết hồ tiêu Việt Nam có chất lượng tốt, được xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập cho người dân nhưng vẫn chưa bền vững. Do đó, dự án mong muốn sản xuất ra chế phẩm nano tinh dầu từ vỏ tiêu, thậm chí là hồ tiêu lép có tác dụng phòng trừ và tiêu diệt sâu bệnh cho các loại cây trồng, an toàn với sức khỏe. Hay sản phẩm viên nang mềm piperine - curcumin, thu được từ sọ tiêu, có thể tăng khả năng hấp thụ và tối ưu hóa hiệu quả trong tiêu hóa.

“Đây là những sản phẩm có tiềm năng, mang lại ý nghĩa lớn, góp phần giúp giải quyết vấn đề tiêu mất giá cho bà con nông dân nếu được phát triển” - đại diện nhóm đánh giá.

Với mong muốn hỗ trợ thêm một phương tiện tiết kiệm chi phí, an toàn và thân thiện với môi trường dành cho các bạn SV, dự án 3B (Bicycle Between Bus) nhằm kết nối các trạm xe buýt bằng dịch vụ xe đạp của Khoa kỹ thuật và quản lý công nghiệp cũng gây ấn tượng.

Theo đại diện nhóm Nguyễn Phước Ngọc, đây là một dự án kết nối các trạm xe buýt bằng xe đạp trong khuôn viên làng đại học tại khu vực Thủ Đức.

Những chiếc xe đạp sẽ được số hóa kết hợp với những công nghệ định vị, chỉ dẫn đường, thanh toán được tích hợp trong ứng dụng điện thoại sẽ mang đến những trải nghiệm đi lại mới mẻ cho SV.

Ngoài ra, một số dự án thiết thực khác cũng được giới thiệu tại ngày hội như dự án ELLA - ứng dụng hướng dẫn trang điểm của Khoa ngôn ngữ; dự án thiết bị nâng, di chuyển bệnh nhân bằng điện của Khoa điện tử - viễn thông…

Tạo bước đệm cho các ý tưởng sáng tạo

Phát biểu tại ngày hội, PGS-TS Lê Văn Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho rằng ngày hội nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong SV vì bất cứ hoạt động nào, lĩnh vực nào hiện nay cũng phải chuyển đổi số để thích ứng. Trường luôn chú trọng đầu tư cũng như khuyến khích các hoạt động nghiên cứu của thầy cô giáo và SV.

Bên cạnh những công bố quốc tế, trường đã có những bước chuyển giao công nghệ và tạo những bước đệm vững chắc cho các ý tưởng sáng tạo của các em trong quá trình thực hiện để tiến tới khởi nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm