Sinh viên chọn nhầm nghề, học nhầm trường không phải cá biệt

(PLO)- Nhiều học sinh đến lớp 12 vẫn chưa biết chọn ngành nào, trường nào. Sinh viên đã học năm nhất, năm thứ 2 vẫn cảm thấy chọn nhầm nghề.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại lễ ra mắt chương trình “Chắp Cánh Ước Mơ” năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức chiều 25-12.

Sinh viên chọn nhầm nghề diễn ra không cá biệt
Ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hoạt động hướng nghiệp vẫn gặp khó

Ông Quế cho biết, trong những năm qua, hoạt động hướng nghiệp tại các nhà trường phổ thông cũng như các trường đại học đã đạt được kết quả nhất định tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác hướng nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, kinh phí dành cho hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp còn eo hẹp. Nhiều học sinh lớp lớp 12, chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng vẫn chưa biết chọn trường nào, ngành nào. Sinh viên học năm thứ nhất, năm thứ hai vẫn cảm thấy chọn nhầm nghề.

Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ rất quan tâm và liên tục có những văn bản đôn đốc, hướng dẫn chỉ đạo triển khai. Đồng thời việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã phần nào giải quyết tình trạng trên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia làm 2 giai đoạn. Từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh sẽ được giáo dục cơ bản, trong 3 năm cấp THPT, các em sẽ được định hướng nghề nghiệp. Đây là một trong số những nội dung mới, mang tính đột phá trong giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Để thực hiện được điều này, năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư bổ sung thêm vị trí tư vấn học sinh trong trường phổ thông công lập, trường chuyên biệt.

“Khi có một vị trí việc làm, trường học sẽ có cơ chế tuyển dụng. Chuyên gia tư vấn này sẽ giúp học sinh gỡ bỏ những nút thắt khó chia sẻ và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai”, ông Quế nói.

Cũng theo ông Quế, chương trình “Chắp cánh ước mơ” được tổ chức là một trong những sáng kiến hết sức ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Tư vấn hướng nghiệp tại 40 trường

Bà Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng biên tập báo Giáo dục & Thời đại cho hay, tình trạng sinh viên chọn nhầm nghề, học nhầm trường không phải cá biệt. Việc giáo dục định hướng nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp giảm bớt việc học sinh bỏ học giữa chừng.

Chương trình chắp cánh ước mơ sẽ được thực hiện từ 1-1-2024 đến 15-5-2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề. Các chuyên đề bao gồm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Chương trình không chỉ tư vấn cho học sinh, còn hướng đến phụ huynh với nhiều hình thức đa dạng.

Chương trình được thực hiện theo dạng talkshow chuyên đề cùng các chuyên gia với thời gian 60-75 phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm