Ngày 2-10, một tay súng bất ngờ tấn công các sinh viên ở Trường CĐ Cộng đồng Umpqua tại Roseburg, bang Oregon (Mỹ). Truyền thông quốc tế đưa tin vụ xả súng đẫm máu này đã khiến 10 người thiệt mạng, ít nhất sáu người khác bị thương. Đây được xem là “giọt nước tràn ly” khi vào năm 2012, một tay súng cũng tấn công ĐH Oikos ở Oakland, California khiến bảy sinh viên thiệt mạng. Vụ án xả súng kinh hoàng nhất mà người Mỹ vẫn ám ảnh xảy ra năm 2007 tại ĐH Virginia Tech khiến 32 người thiệt mạng và 25 người bị thương.
Bạo lực súng “giết người” nhiều hơn khủng bố
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hằng năm có đến khoảng 10.000 người tại Mỹ chết vì các nguyên nhân liên quan đến các vụ tấn công bằng súng, trong khi đó số người thiệt mạng vì khủng bố kể từ sau 11-9-2001 ít hơn rất nhiều. Trong vòng khoảng 10 năm (2004-2013), có đến 316.545 người Mỹ chết vì súng, trong khi số người chết vì khủng bố chỉ là 313 người. Dữ liệu mới nhất trên trang The Guardian cho biết tính đến trước vụ thảm sát tại Trường CĐ Cộng đồng Umpqua, đã có 375 người chết và 1.089 người bị thương vì súng.
Tuy nhiên, khi các vụ thương vong vì súng tăng lên thì số người ủng hộ luật kiểm soát sở hữu vũ khí lại giảm đến mức đáng bất ngờ. Tháng 12-2014, lần đầu tiên trong suốt hai thập niên qua, theo kết quả khảo sát ý kiến của Pew Research với người dân Mỹ, số người ủng hộ quyền sở hữu súng tăng cao và chiếm đa số. Kết quả khảo sát cho thấy 52% người được hỏi cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu súng của người Mỹ quan trọng hơn, trái lại 46% người được hỏi cho rằng kiểm soát quyền sở hữu vũ khí là rất quan trọng, cần được ưu tiên. Từ năm 2008 trở về trước, tỉ lệ người ủng hộ sở hữu vũ khí lúc nào cũng thấp tuyệt đối so với tỉ lệ người phản đối tự do sở hữu vũ khí.
Tại Mỹ, không khó để sở hữu một, thậm chí là nhiều khẩu súng. Ảnh: THE GUARDIAN
Sở hữu càng nhiều súng, thương vong càng nhiều
Chỉ tính trong năm 2013, theo số liệu của Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ của Mỹ, nước này sản xuất khoảng 11 triệu khẩu súng. Sau khi Mỹ hợp thức hóa việc nhập khẩu vũ khí, khoảng 16 triệu khẩu súng được “ra lò” và hiện diện trên đất Mỹ.
Theo khảo sát Small Arms, kể từ năm 2011, Mỹ trở thành quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng bình quân đầu người cao nhất thế giới. Cứ trung bình 100 người dân sẽ sở hữu 89 khẩu súng. Trong khi đó, 100 người dân Yemen - quốc gia hay có khủng bố và bất ổn an ninh - cũng chỉ sở hữu 55 khẩu súng. Ngay cả Thụy Sĩ, quốc gia được vũ trang đứng thứ ba thế giới, 100 người dân nước này cũng chỉ sở hữu trung bình 46 khẩu súng, bằng một nửa so với Mỹ. Điều này không có nghĩa 89% dân số Mỹ được sở hữu súng. Theo một cuộc điều tra của Pew Research hồi năm 2013, khoảng 37% hộ gia đình Mỹ sở hữu một khẩu súng.
Nguyên nhân của tình trạng mong muốn sở hữu súng tại Mỹ, theo giới quan sát, có thể xuất phát từ sự ngộ nhận về an ninh của người Mỹ. Trong một cuộc khảo sát của Viện Gallup (Mỹ) năm 2014, có đến 63% người Mỹ cho rằng tội phạm bạo lực đang gia tăng mạnh trên đất nước cờ hoa. Tuy nhiên, thực tế số tội phạm bạo lực tại Mỹ đã giảm xuống mức gần như là thấp nhất trong vòng hai thập niên vừa qua. Tờ The Guardian dẫn lại dữ liệu của Pew Research hồi tháng 12-2014 cho thấy có đến 63% số người Mỹ được hỏi trả lời rằng việc họ được tự do sở hữu súng trong nhà giúp tăng cường an ninh. Nếu nhìn lại 15 năm trước đó, con số này chỉ là 35%. Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng đa phần người Mỹ đang cảm giác thiếu niềm tin, thiếu sự an toàn, trong khi thực tế môi trường họ đang sống đã “sạch” tội phạm hơn rất nhiều so với những năm trước đây.
Thương vong vì bạo lực súng đạn cao hơn so với thương vong vì khủng bố. Ảnh: CDC
Mỹ đã “tê liệt”
Ngay sau vụ thảm sát tại Trường CĐ Cộng đồng Umpqua, Tổng thống Obama ngay lập tức đăng đàn phát biểu trực tiếp đến người dân Mỹ nhằm thuyết phục, đốc thúc tối đa việc thông qua các đạo luật về kiểm soát súng trên đất nước chịu thương vong quá nhiều vì tự do sở hữu vũ khí. “Chúng ta không phải đất nước duy nhất trên thế giới có những kẻ tâm thần bất ổn hay những người muốn làm hại người khác. Nhưng chúng ta lại là đất nước phát triển duy nhất trên Trái đất này cứ vài tháng một lần lại phải hứng chịu những vụ xả súng thảm sát như vậy” - ông Obama nhấn mạnh.
Truyền thông quốc tế mô tả ông Obama “nổi giận” trước vụ xả súng và nhấn mạnh: “Chúng ta đã bị tê liệt” (về vấn nạn thương vong vì súng đạn). Tờ The Guardian bình luận “dường như ông Obama đã nói đúng”. Cùng quan điểm với Obama, Penny Okamoto, thành viên ban điều hành tổ chức Ceasefire tại Oregon, người đã và đang đấu tranh nhằm giảm thương vong vì súng đạn, nhận định bạo lực liên quan súng đạn, như vụ thảm kịch ở Oregon, dường như không có biên giới, không có giới hạn và càng không có điểm dừng. Theo Penny Okamoto, lý do của vấn nạn này đơn giản một cách chết người. Đó là vì người Mỹ đang bị kéo vào những thay đổi về mặt luật pháp vốn cổ súy cho quyền sở hữu súng (để được an toàn hơn) nhưng thật ra phía sau là các mục đích về chính trị.
Cụ thể, Luật sửa đổi thứ hai (Second Amendment) của Hiến pháp Mỹ, việc trang bị tối ưu lực lượng phòng vệ theo quy định cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do (thế nên) không xâm phạm quyền sở hữu và lưu giữ vũ khí của người dân. Ngành công nghiệp súng và những phe ủng hộ đã lợi dụng tuyên bố đơn giản này trong Hiến pháp Mỹ làm công cụ tiếp thị để bán vũ khí và hậu quả là người dân Mỹ phải trả giá bằng máu. Những người ủng hộ quyền sở hữu súng đạn tuyên bố rằng “người Mỹ cần nhiều súng hơn để bảo vệ bản thân khỏi các vụ tấn công bằng súng”. Tuy nhiên, với 310 triệu khẩu súng ở Mỹ, mặc dù cứ ba người Mỹ sở hữu một khẩu súng nhưng điều đó không giúp ích gì hơn cho an ninh của người dân.
Thay đổi hay tiếp tục đổ máu?
Penny Okamoto nói thêm suốt 15 năm qua, tổ chức Ceasefire ở Oregon đã liên tục vận động hành lang một cách tích cực nhằm thông qua một đạo luật chính đáng và có hiệu quả về việc kiểm soát sở hữu vũ khí, đặc biệt là súng. Tuy nhiên, bạo lực súng đạn đã trở thành căn bệnh ung thư đối với Mỹ. Không thể dùng một loại thuốc để chữa dứt bệnh ung thư và cũng không thể chỉ dùng một đạo luật đơn lẻ nào để giải quyết nạn bạo lực súng đạn. “Thay vào đó, chúng ta cần một người lãnh đạo toàn diện, pháp trị hiệu quả, toàn tâm, can đảm nhằm thay đổi cả hệ thống luật pháp Mỹ lẫn quan điểm của người Mỹ về súng và bạo lực về súng” - Penny Okamoto nhấm mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Obama nói trước báo chí rằng: “Trong các quốc gia phát triển trên thế giới, Mỹ là quốc gia duy nhất không có một bộ luật an toàn súng đạn đầy đủ và hiệu quả, ngay cả khi những vụ thảm sát đã xảy ra liên tiếp trước đó”. “Chúng ta đã biết ở các quốc gia khác, sau khi phải đối phó với một vụ xả súng, họ sẽ thiết lập các đạo luật mới nhằm loại bỏ hoàn toàn các thảm kịch như vậy trong tương lai” - ông Obama nhấn mạnh. Đồng thời, ông Obama bày tỏ sự khen ngợi với Anh, Úc vì đã tiến hành nhiều cách thức nhằm ngăn chặn hữu hiệu các cuộc xả súng thảm sát.
Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, bất chấp hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng để lại hậu quả kinh khủng đến mức Tổng thống Obama phải căm phẫn, ý tưởng áp dụng chính sách kiểm soát sở hữu vũ khí sẽ giúp người Mỹ an toàn hơn vẫn sẽ không đủ “nặng ký” để thuyết phục người Mỹ cắt giảm việc sở hữu vũ khí. Một khảo sát từ đầu năm, theo The Guardian, cho biết phần lớn công chúng Mỹ phản đối mạnh mẽ việc chính quyền có ý định kiểm soát gắt gao việc sở hữu vũ khí. Vậy nên để thông qua đạo luật về kiểm soát sở hữu súng tại Mỹ, Nhà Trắng và những đơn vị xã hội sẽ phải còn vất vả, thậm chí là còn phải chứng kiến những vụ xả súng thảm sát trong tương lai.
13 khẩu súng của “sát thủ” ở Mỹ đều hợp pháp Theo The Guardian, tay súng ra tay thảm sát sinh viên tại Trường CĐ Cộng đồng Umpqua ở TP Roseburg, bang Oregon sở hữu 13 cây súng hợp pháp. Tay súng sát thủ này đã mang đến hiện trường vụ án sáu khẩu súng và cảnh sát tìm thấy thêm bảy khẩu súng khác tại nhà của hung thủ. Cả 13 khẩu súng được mua tại một đại lý vũ khí liên bang. Việc hung thủ sở hữu súng hợp pháp và ra tay sát hại điên cuồng các nạn nhân càng khiến đông đảo người Mỹ nổi giận về việc kiểm soát súng đạn. |