Số phận 114 bất động sản trong đại án Hứa Thị Phấn

Ngày 19-11, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi vụ bà Hứa Thị Phấn cùng năm đồng phạm giai đoạn 2 gây thiệt hại 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank).
HĐXX cho các luật sư tiến hành phần xét hỏi liên quan đến các bất động sản bị kê biên trong vụ án này. Theo cáo trạng, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, quyền và lợi ích của các bên liên quan, CQĐT đã kê biên 114 bất động sản từ ngày 13-2-2017 giao cho Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) quản lý.
Trong vụ án, CB được xác định nguyên đơn dân sự. Ngân hàng CB tiền thân là Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB), trước đó nữa là Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBank).

Bà Hứa Thị Phấn trong phiên xử ông Phạm Công Danh và đồng phạm. Ảnh: PLO

Các luật sư bảo vệ cho Phạm Công Danh và nhóm Thiên Thanh đã tập trung làm rõ việc chuyển giao cổ phần của TRUSTBank giữa nhóm bán (nhóm Phú Mỹ) và nhóm mua (nhóm Thiên Thanh). Đồng thời cũng làm rõ việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự liên quan tại TRUSTBank giữa bà Phấn, đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ với ông Danh, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh.

Các luật sư tập trung hỏi về số tiền 3.658 tỉ đồng do ông Danh đại diện đã chuyển cho nhóm Phú Mỹ để bà Phấn trả cho khoản nợ gốc 3.581 tỉ đồng cho dư nợ gốc 29 khoản vay, 76,9 tỉ đồng phần lãi của năm khoản vay trong 29 khoản với dư nợ gốc 515 tỉ đồng để nhận 114 tài sản thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay này.

Bị án Phạm Công Danh. Ảnh: HY

Theo đó, luật sư cho là nhóm Thiên Thanh, ông Danh đã thực hiện nghĩa vụ và đã chuyển số tiền theo thỏa thuận. Do đó, nhóm Thiên Thanh có quyền được nhận 114 tài sản thế chấp này theo hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, 114 tài sản này vẫn chưa được chuyển giao cho nhóm Thiên Thanh.
Tham gia phiên xử với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, bị án Phạm Công Danh nói rằng mình đưa tiền để lấy tài sản, đến nay “Tiền của tôi đâu, tài sản tôi đâu!”.
Luật sư của ông Danh và nhóm Thiên Thanh kiến nghị HĐXX xem xét, quyết định duy trì lệnh kê biên, giao trả lại tài sản cho ông Danh nhằm bảo đảm cho việc khắc phục hậu quả vụ án của ông bao gồm 114 tài sản, trong đó 108 tài sản đã kê biên, sáu tài sản đã đươc giải chấp.
Trong khi đại diện CB cho rằng ngân hàng không giải chấp những tài sản này vì để đảm bảo cho việc thu hồi 1.260 tỉ đồng liên quan đến tiền lãi chưa thanh toán của 29 khoản vay.
Và trong đó 114 bất động sản nhắc trên có 17 bất động sản liên quan đến Công ty Phú Mỹ. Bà Lý Kim Chi, người thực hiện mua lại toàn bộ cổ phần của bà Phấn tại Công ty Phú Mỹ, một trong các công ty bất động sản sân sau của bà Phấn, có đại diện tại tòa trình bày vào thời điểm năm 2014 khi khởi tố các vụ án liên quan tới ngân hàng thì công ty liên tục gửi văn bản tới CQĐT đề nghị giải tỏa các bất động sản.
“Các bất động sản này vốn nằm trong quyền sử dụng của pháp nhân kinh doanh khu công nghiệp, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong việc bị kê biên. KCN Tân Đông Hiệp hiện trong quá trình thực hiện tái định cư cho các hộ dân, thực hiện các quyết định của Chính phủ liên quan quy hoạch trong đó có quy hoạch cây xanh, đường đi và bị đình trệ trong thời gian dài, hiện nay vẫn chưa làm được” - đại diện này nói.
Cũng theo đó, người đại diện này cho rằng Công ty Phú Mỹ là bên bảo lãnh thứ ba, không liên quan tranh chấp giữa ông Danh và bà Phấn, 17 bất động sản này cũng không nằm trong danh mục bất động sản phải chuyển giao giữa hai bên. Vì vậy công ty yêu cầu xem xét giải tỏa 17 bất động sản để thực hiện việc kinh doanh.
Trong khi đại diện phía Ngân hàng CB cho biết 17 bất động sản tại Bình Dương của Phú Mỹ bảo đảm cho các khoản vay gốc là hơn 56 tỉ đồng. CB xác nhận số tiền vay gốc này theo hồ sơ đã thanh toán hết vào tháng 12-2012. Phía CB cho biết còn chưa thanh toán số tiền lãi...
Chiều nay, theo kế hoạch, đại diện VKS sẽ có đề nghị về việc giải quyết vấn đề của vụ án. PLO sẽ cập nhật trong các bản tin sau.

Bà Hứa Thị Phấn được nhiều người nhắc dù không hề xuất hiện

Đại án này bà Phấn tiếp tục vắng mặt tại tòa nên không có lời khai của bà. Cơ quan tố tụng cho biết từ ngày 6-3-2017, bà Phấn nhập viện tại BV đa khoa Tân Hưng, quận 7, TP.HCM trong tình trạng tăng huyết áp độ 3/4 và tiểu đường tuýp II.

Từ đó đến nay, CQĐT đã nhiều lần đến bệnh viện để tiến hành hỏi cung nhưng bị can khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Các luật sư bị can kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe bị can tốt hơn. Vì vậy kể từ khi khởi tố đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa thể hỏi cung bà Phấn về hành vi phạm tội...

Tháng 5-2018, bà Phấn bị TAND Cấp cao tại TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 
Tháng 11-2018, bà tiếp tục bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt bà phải chấp hành là 30 năm tù.

Hầu tòa hiện nay chỉ là năm đồng phạm bị truy tố là đồng phạm của bà Phấn. Họ là con, cháu và người thân quen của bà Phấn, trong đó có ba cha con cùng hầu tòa.

Cụ thể bị cáo Lâm Kim Dũng (cựu giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, cháu rể bà Phấn ); bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách phòng ngân quỹ TRUSTBank, con gái bị cáo Dũng); Phạm Hồng Hảo (cựu nhân viên Trustbank, con dâu bị cáo Dũng).

Ngoài ra còn có cấp dưới thân tín của bà Phấn là bị cáo Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn).

Các bị cáo này đều chỉ học hết lớp 12 nhưng được bà Phấn đưa lên làm giám đốc và nhân viên kho quỹ của ngân hàng, doanh nghiệp sân sau nhằm dễ bề chỉ đạo, thao túng, rút ruột ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm