Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCMđã tiếp công dân - anh Linh (người bị ảnh hưởng), khu vực dự án xây dựng trường Thoại Ngọc Hầu, Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Gặp gỡ, lắng nghe người dân
Chia sẻ tại buổi tiếp công dân, ông Trực cho biết ông vô tình gặp anh Linh thì biết dự án Thoại Ngọc Hầu còn nhiều khó khăn. Anh Linh đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng mong muốn TP có chính sách bồi thường cho những hộ dân trong khu vực tốt nhất.
"Chính vì vậy, tôi đã tổ chức cuộc tiếp công dân này. Tại đây có quận Bình Tân, có người dân để cùng lắng nghe ý kiến của các bên. Tôi mong muốn chúng ta trao đổi, bàn bạc để triển khai công tác xác nhận hồ sơ pháp lý, quá trình sử dụng đất của các hộ dân để thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân dự án Trường tiểu học Thoại Ngọc Hầu đúng quy định pháp luật. Tất cả phải làm tốt nhất" - ông Trực nhấn mạnh.
Ông Linh, người dân bị ảnh hưởng dự án chia sẻ: Chủ trương chính sách của nhà nước, chúng tôi luôn ủng hộ. Chúng tôi mong muốn được an cư để làm việc. Mong muốn các hộ dân trong dự án được giải quyết thấu cả tình và lý, bởi họ đã định cư, sinh sống nhiều năm liền.
Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết hiện dự án xây dựng trường Thoại Ngọc Hầu có 19 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có nhà dân ở trước năm 1980, có nơi chỉ có hàng rào xung quanh mà không có nhà ở. Một số hộ dân chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp năm 2010, xây dựng nhà tạm từ sau 1-7-2004 hoặc sau 1-7-2006, cũng chưa đủ điều kiện xác định đất ở.
Đáng chú ý, có gia đình bà Mười, có diện tích khoảng 1.200 m2 , trong đó có 700 m2 là đất thổ cư, số còn lại là đất nông nghiệp. Gia đình bà Mười ở đây trước năm 1980.
Trong quá trình tiếp xúc vận động, người dân chưa cung cấp thông tin, kê khai nguồn gốc đất nên quận cũng gặp nhiều khó khăn.
"Ban đầu người dân không hợp tác, không kê khai. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ, Ban bồi thường đã trích lục được giấy tờ để xác định nguồn gốc đất, xác định được hồ sơ. Đến nay cũng đã tìm ra hướng đi để hỗ trợ người dân, bảo vệ quyền lợi cho người dân” – quận Bình Tân thông tin.
Giải quyết ngay trong cuộc họp
Ông Trực cho biết qua phản ánh của người dân, hiện dự án xây dựng trường Thoại Ngọc Hầu có 19 trường hợp bị ảnh hưởng. Ông đề nghị quận Bình Tân rà soát lại trường hợp gia đình bà Mười đã có nhà ở và địa phương đã xác nhận ở từ 1975, nếu đúng như vậy để lấy mốc người dân có nhà ở và sử dụng ổn định, liên tục từ trước 18-12-1980 để xem xét giải quyết 5 lần hạn mức đất ở cho người dân theo quy định.
Đồng thời, ông Trực cho rằng cần rà soát lại các trường hợp tương tự để giải quyết thấu tình, đạt lý cho bà con bị ảnh hưởng dự án thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội.
Tương tự, đối với những hộ dân còn lại không có nhà ở, chỉ có tường rào bao quanh cần giải quyết bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Trường hợp, người dân xây dựng nhà ở sau ngày 1-7-2004 nếu không có căn nhà nào khác để ở thì cần bố trí tái định cư cho dân.
"Tôi thực sự cảm ơn anh Linh về những phản ánh trên, qua buổi làm việc này, sau khi nghe đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân đã thực sự mang lại hiệu quả như hôm nay"- ông Trực nói.
Huyện Bình Tân còn 28 dự án cần giải quyết
Nhìn từ một dự án nhỏ Thoại Ngọc Hầu, ông Trực đặt câu hỏi liệu rằng quận Bình Tân còn dự án nào tương tự như vậy không?
Hiện quận Bình Tân có 28 dự án cần giải quyết, TP đặt thi đua 60 ngày đêm giải ngân và giờ còn 50 ngày đêm nữa. Vì vậy, chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của người dân, làm sao để người dân lắng nghe và đồng thuận.
"Chúng ta phải định hướng, giải quyết và làm tốt nhất cho người dân. Chúng ta có thể làm tốn công, tốn sức nhưng cần giải quyết thỏa đáng, hài lòng cho người dân. Nếu chúng ta làm tốt, người dân sẽ đồng tình, ủng hộ" - ông Trực nói.
Bên cạnh đó, quận Bình Tân và các địa phương khác cần rà soát các dự án khác, đồng thời cần phải lắng nghe người dân để có phương án hỗ trợ. Trường hợp, có những vấn đề vượt thẩm quyền, các địa phương cần có văn bản kiến nghị.
Ban Chỉ đạo công tác bồi thường TP sẵn sàng và luôn đồng hành, hướng dẫn cho các địa phương. Như vậy, công tác bồi thường mới chạy, người dân mới ủng hộ chính quyền.
Về các nội dung trên, đại diện quận Bình Tân cho biết sẽ rà soát để giải quyết cho bà con. Hiện địa phương đã giải ngân đạt hơn 80% giải ngân vốn đầu tư công. Quận Bình Tân khẳng định sẽ giải ngân đạt ít nhất 95% theo kế hoạch đề ra.
Giá bồi thường và giá thị trường
Ông Linh đặt câu hỏi: Giá bồi thường theo hệ số thì cần phải lấy hệ số cao nhất để bồi thường cho dân
Ông Trực cho biết có một số thông tin người dân phản ánh rằng giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp, phải bồi thường từ 50-60 triệu đồng/m2 mới hợp lý.
Nội dung này, Sở TN&MT sẽ có ý kiến chính thức phản hồi cho báo chí. Tuy nhiên, việc các định giá đất bồi thường, để đưa ra một đơn giá thị trường, các quận huyện sẽ phải thuê một đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập (được Bộ Tài chính công nhận). Đơn vị này sẽ tiến hành rà soát khu vực đó để ban hành chứng thư thẩm định giá và trình Hội đồng thẩm định giá TP ban hành chính thức đơn giá bồi thường cho người dân.
Không phải hệ số nào là cao hay thấp mà giá bồi thường này được xác định theo giá thị trường, căn cứ vào chứng thư thẩm định giá thông qua một đơn vị tư vấn độc lập.