Sở Tư pháp TP.HCM: Điểm sáng trong công tác Tư pháp 2024

(PLO)- Trong thành tựu chung của ngành tư pháp cả nước, có sự đóng góp tích cực của tư pháp các địa phương, đặc biệt là sự đóng góp nổi bật trong một số lĩnh vực của ngành tư pháp TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp (CTTP) năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025.

Tham dự hội nghị có ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM;...

Địa phương có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cao nhất nước

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết từ kết quả đạt được trong năm 2024, có thể thấy các cấp Tư pháp TP tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong tham mưu UBND cùng cấp trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

"Bên cạnh tổ chức thực hiện tốt những công việc có tính chất mũi nhọn của ngành như tham mưu xây dựng thể chế; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM và các cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đưa công tác tư pháp ngày càng gần hơn, thuận tiện hơn với người dân, doanh nghiệp" - bà Hạnh nói.

z6180376843752_2dff0025f7c2249fb9ccc8334782c3cd.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp thành phố trong năm 2024 vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn cả, về khách quan và chủ quan, cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra giải pháp khắc phục.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp và đề xuất kiến nghị giải pháp. Trong đó tập trung vào các nội dung: Tình hình triển khai công tác tư pháp tại địa phương và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong năm 2025, một số giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả việc thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện công tác trợ giúp pháp lý.

z6180468891465_50c74affe396f224b5084c241ad86d6b.jpg
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp và đề xuất giải pháp. Ảnh: THUẬN VĂN

Liên quan đến việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp cho biết trong năm 2024, TP.HCM tiếp tục là địa phương có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cao nhất cả nước.

Tính đến ngày 30-12-2024, Sở Tư pháp TP.HCM đã tiếp nhận 154.579 hồ sơ và đã cấp 153.975 Phiếu lý lịch tư pháp tăng 35.533 hồ sơ (tăng 30%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm qua, Phòng Lý lịch tư pháp cũng tập trung thực hiện công tác lập, cập nhật, bổ sung thông tin vào Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung.

Sở Tư pháp TP.HCM triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với Kế hoạch số 6829/KH-UBND và 7506/KH-STP-VP.

“Từ ngày 4-11-2024, Sở chính thức tiếp nhận hồ sơ qua VNeID, tính đến ngày 30-12-2024 đã xử lý 8.466 hồ sơ qua ứng dụng này, chiếm 33,2% tổng số 25.482 hồ sơ. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 40%, giảm lượng người nộp trực tiếp tại trụ sở xuống dưới 250 người/ngày, giảm 400 người so với trước đây” - ông Băng thông tin.

Ông Băng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm nâng cấp Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung, phối hợp với các bộ, ngành cho phép kết nối, chia sẻ, tra cứu dữ liệu dân cư, án tích, thi hành án dân sự và hộ tịch điện tử. Đồng thời, đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp điện tử; nghiên cứu bắt buộc nộp yêu cầu cấp Phiếu qua ứng dụng VNeID (trừ người cao tuổi và trẻ em); và xây dựng quy trình xử lý hồ sơ án tích trên VNeID.

z6180468885894_64dd1d71e2574c86c57f31612f01d74a.jpg
Ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh tình trạng sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử được cấp qua ứng dụng VNeID để các tổ chức, doanh nghiệp chấp nhận sử dụng, hạn chế việc yêu cầu Sở Tư pháp cấp thêm Phiếu Lý lịch tư pháp bản giấy; xây dựng biên nhận nộp hồ sơ lý lịch tư pháp trên VNeID theo hướng có ngày hẹn trả kết quả cụ thể; mở rộng thanh toán lệ phí qua ngân hàng để tạo thuận lợi cho người dân.

6 giải pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025

Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng công tác tư pháp ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Vị thế của ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương được củng cố, tăng cường. Trong thành tựu chung của ngành tư pháp cả nước, có sự đóng góp tích cực của tư pháp các địa phương, đặc biệt là sự đóng góp nổi bật trong một số lĩnh vực của ngành tư pháp TP.HCM.

"Thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu với những kết quả mà các đồng chí đã đạt được trong năm qua, đồng thời, trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đối với ngành tư pháp TP trong suốt thời gian qua" - ông Khôi nói.

z6180731057675_3ad7be7449312c7ab2dc2cb69f7b163c.jpg
Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: THUẬN VĂN

Phát biểu tại hội nghị, Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, chỉ đạo một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2025 như sau:

Một là, khẩn trương kiện toàn bộ máy hoạt động của Sở Tư pháp, nhân lực ngành Tư pháp và đội ngũ pháp chế; phối hợp rà soát thể chế, văn bản pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy. Đồng thời, hướng dẫn việc tham mưu TP quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau sắp xếp để đảm bảo không gián đoạn công việc và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hai là, tiếp tục phát huy vai trò ngành Tư pháp TP trong việc tham mưu cho chính quyền TP nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi thể chế pháp luật. Chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, chính sách đột phá chiến lược giúp cho TP phát triển, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 84/2024 của Chính phủ.

Ba là, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và UBND TP, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan để báo cáo UBND TP, bảo đảm tiến độ và hiệu quả thực hiện.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư pháp, tập trung xây dựng, kết nối, ứng dụng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực chuyên ngành tư pháp với cơ sở dữ liệu các ngành khác để quản lý, xử lý công việc, góp phần cùng TP xây dựng chính quyền số và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Năm là, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật; kết hợp hiệu quả giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, bám sát nhu cầu xã hội và yêu cầu nhiệm vụ của TP, phù hợp với từng đối tượng và lộ trình triển khai thực hiện các Luật, Nghị định mới ban hành, chú ý truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, kiến nghị của cơ sở, người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND TP quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; thực hiện xã hội hóa theo lộ trình và bảo đảm chất lượng việc cung cấp các dịch vụ công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Bảy là, tiếp tục tham mưu TP tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trong việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương.

so tu phap tphcm.jpg
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM tặng cờ thi đua cho hai tập thể dẫn đầu khối thi đua là Phòng Công chứng số 4 và Thanh tra Sở Tư pháp. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo UBND TP; đồng thời cảm ơn lãnh đạo UBND TP đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để Sở Tư pháp TP.HCM hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Để kịp thời ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua yêu nước của Sở Tư pháp TP.HCM, Bộ Tư pháp và UBND TP đã quyết định tặng cờ thi đua và các bằng khen, kỷ niệm chương.

Tại buổi lễ, UBND TP.HCM trao tặng “Cờ thi đua Thành phố Hồ Chí Minh” cho 2 tập thể dẫn đầu Khối thi đua cho Phòng Công chứng số 4 và Thanh tra Sở Tư pháp.

Cũng trong buổi lễ, Bộ Tư pháp đã trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp cho 50 cá nhân. Trong đó có, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM.

z6180825438048_87911a013a2b466dec734a69949aaffe.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM (bên phải) nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp. Ảnh: THUẬN VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm