Liên quan ngôi biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bị sập, chiều 23-9, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Hoàng Tú – Trưởng Ban 61/CP Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Nhà diện biệt thự nhóm 2, cần phải bảo tồn. Bảo tồn hiểu theo nghĩa nếu nó nguy hiểm, thì có thể phá đi, xây dựng lại như ban đầu.
“Nhà 107 là công trình do người Pháp xây dựng, tường rất dày. Nếu qua kiểm định là nhà nguy hiểm (nhóm D, nhóm C), có thể phá đi xây lại. Còn trường hợp qua kiểm định mà thấy phần tầng 1 vẫn còn tốt, thì chỉ duy tu, bảo trì lại phần này, phần tầng 2 bị sập thì xây lại.” Ông Tú nói.
Ông Tú cho biết, trong vụ sập nhà này, trách nhiệm chính vẫn là người sử dụng, đây là bên quan trọng nhất. Người chủ sở hữu, chủ quản lý, sử dụng là người phải định kỳ bảo trì nhà. Trường hợp nếu không phải là chủ sở hữu thì khi đang sử dụng mà thấy sự bất thường, họ phải báo cho bên chủ sở hữu. Tránh nhiệm của người đang sử dụng là quan trọng vì họ trực tiếp sử dụng.
“Muốn biết nhà có nguy cơ sập đổ, cơ quan kiểm định phải đi “khám””, ông Tú cho hay.
Theo ông Tú, những nhà xây trước năm 1954 giờ thuộc diện nhà cũ, nhà xuống cấp. Để xác định nguy cơ A,B,C,D, phải có đơn vị kiểm định. Nếu nhà thuộc nhóm C, D là nguy hiểm; loại A, B thì ở bình thường.
“Thông thường, các chủ sở hữu, chủ sử dụng là người đề nghị cơ quan chức năng “khám bệnh” cho ngôi nhà của mình. Cũng có trường hợp cơ quan nhà nước thấy các chung cư nguy hiểm, vẫn thuê cơ quan kiểm định để có cách ứng xử phù hợp”, ông nói