Ngày 14-8, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã cử Chi cục Bảo vệ thực vật đến huyện U Minh để tìm hiểu tình hình sóc tấn công các rừng keo lai tại đây. Theo Sở, người dân trồng rừng keo lai phản ánh là họ đang khốn khổ với sự tấn công của những bầy sóc rừng.
Ngày 14-8, đưa chúng tôi vào cánh rừng keo lai, anh Nguyễn Văn Tâm (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) nói: “Không hiểu sao bỗng dưng sóc rừng lại tấn công cánh rừng keo lai”. Theo anh Tâm, khoảng ba tháng trước phát hiện rừng keo lai của mình bị gãy đọt nên bỏ cả ngày trời rình xem con gì đã gây ra. “Một đàn sóc rừng cứ nhè vào phần thân cây, cách đọt chừng gần 1 m mà cạp vỏ. Keo lai sống nhờ lớp vỏ nhưng bị sóc cắn, chỗ không có vỏ sẽ bị khô và chết dần. Sau đó, chỉ một cơn gió nhẹ là đọt cây bị gãy. Hết phần đọt cây, sóc tấn công đến các cành.
Không riêng anh Tâm mà hầu hết rừng keo lai của các hộ dân ở khu vực này đều bị sóc tấn công.
Keo lai bị sóc cắn nhưng các chủ rừng lúng túng vì chưa tìm ra được một phương cách nào để ngăn chặn. Anh Tâm cho biết đã thử đặt rập để bắt sóc nhưng chúng rất khôn ngoan, chỉ bắt được một vài con là chúng đã biết cách tránh bẫy. Có người nghĩ cách phát hoang bụi rậm để sóc không còn chỗ trú thân nhưng không tìm đâu ra người để thuê. Có người đánh trống, thổi kèn để đuổi bầy sóc nhưng cũng không đem lại hiệu quả vì không thể đánh trống, thổi kèn vào ban đêm.
Ông Trần Thanh Sử, nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp huyện U Minh, lý giải: “Sóc có ở rừng U Minh từ lâu nhưng chỉ cắn phá chuối, dừa. Mới đây sóc mới cắn phá keo lai. Qua quan sát, sóc chỉ cắn những khu rừng keo lai từ một đến hai năm tuổi và ở phần vỏ mềm, cách đọt khoảng 1 m. Điều này không phải do rừng U Minh Hạ kiệt quệ thức ăn mà có khả năng vỏ cây keo lai hợp khẩu vị của loài sóc”.
Có mặt tại các khu rừng keo lai, ông Nguyễn Út Em, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi phát hiện keo lai ở rừng U Minh Hạ bị loài gặm nhấm gặm phần vỏ non từ năm ngoái nhưng tình hình không nghiêm trọng như hiện nay. Khả năng chỉ có chuột và sóc. Trước khi có kết luận chính thức nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, người trồng keo lai nên phát hoang bụi rậm quanh rừng keo lai để sóc không có nơi trú ngụ”.
Hiện Cà Mau đang rầm rộ đầu tư trồng keo lai tại khu vực rừng tràm U Minh Hạ (khu rừng sản xuất) nhưng chuyện sóc tấn công các khu rừng keo lai đang làm bà con nông dân chùn tay.
TRẦN VŨ