Khoảng 15- 16 năm, có lần ghé nhà anh đồng nghiệp, thấy anh treo trang trọng một mảnh gỗ thông và trên đó dán một tờ lịch phủ la-mi-na có bút tích cố nhà văn Sơn Nam.
Trên tờ lịch ấy, nhà văn Sơn Nam viết lại nguyên bản bài thơ “Hương rừng Cà Mau” và phía dưới là lời đề tặng. Hương rừng Cà Mau đọc buồn buồn, gợi cho độc giả bức tranh thuở tiền nhân đi khai hoang mở cõi phương Nam: "Trong khói sóng mênh mông/Có bóng người vô danh/Từ bên này sông Tiền/Qua bên kia sông Hậu/Mang theo chiếc độc huyền/Điệu thơ Lục Vân Tiên”…
Cố nhà văn Sơn Nam không nói tiền nhân vượt sông Tiền, sông Hậu bằng gì, ghe xuồng hay “nắm đuôi trâu mà vượt sông”, chỉ tiền nhân thuở ấy biết. Nhưng đến cái thuở mà tôi biết - khi ấy chỉ 6 tuổi, lần đầu tiên tôi vượt sông Tiền, sông Hậu bằng phà. Những chuyến phà thời bao cấp của những năm giữa thập niên 1980, và những chuyến phà Viet-Dan 100 sau này khi đã 18 tuổi từ xứ Đất Mũi khăn gói lên Sài Gòn học.
Gần như những chuyến đi đều là phà đêm. Cũng dễ hiểu, bởi chỉ tính chuyến tàu đò từ Năm Căn lên tới Cà Mau đã tròm trèm 7-8 tiếng ê ẩm cả người mới tới bến tàu B thị xã Cà Mau. Tới nơi phải đón thêm cuốc xe vua ra bến xe Cà Mau kiếm xe đò và tới Cần Thơ sớm thì trời vừa tắt nắng, trễ chút thì tối hù, và khi chạm ngõ bắc Mỹ Thuận cũng 8-9 giờ tối, còn bữa nào bắc Cần Thơ bị kẹt thì 11- 12 giờ đêm.
Mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết từ Sài Gòn về cũng đi xe đêm, 7-8 giờ tối lên xe, sáng sớm về tới Cà Mau và dĩ nhiên phà đêm bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ luôn là bạn đồng hành. Bởi vậy mới nhớ mãi bà cụ bán bánh canh khuya trên những chuyến phà qua lại bắc Cần Thơ và bắc Cái Vồn, nhớ gói xôi gà thơm phức cũng trên những chuyến phà đêm ấy…
Sau này về Cần Thơ làm, lâu lâu vẫn chạy ra bắc Cần Thơ gửi xe rồi đón chuyến phà đêm, hít hà tô bánh canh nóng hổi giữa cái lạnh của đêm, sống trong cái ồn ã của phà…
Chuyến phà đêm ở bắc Cần Thơ. Ảnh: SONG ANH
Rồi, lần lượt những những chuyến phà bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cái Tư, Đầm Cùng, Cổ Chiên chỉ còn trong ký ức khi những nhịp cầu nối đôi bờ.
Cầu mới, xe băng băng qua lại, chẳng ai rảnh mà thả hồn theo sóng nước, bâng khuâng theo những bông lục bình dập dềnh kiểu đi phà hồi xưa, hay bỏ tờ bạc lẻ vô cái ca máng ngay đầu cây đờn chế bằng cái thau của nghệ sĩ “phà” có ngón đờn thau và giọng ca mùi mẫn… Có dịp nghe đủ điệu rao bán hàng rong, kiểu: “Ai mía gim, cóc ổi”, “Ai nem, bánh tráng bánh phồng”, “Ai bánh bao”, “Ai trà đá, thuốc hút”…. Cũng chẳng có dịp được kẹt phà, trễ phà phải chờ cả tiếng.
Ngần ấy thời gian chờ giải tỏa ách tắc do kẹt phà đủ để lội bộ một vòng, đủ làm ly đen hay ly bạc xỉu, ngấu nghiến tờ báo cũ xì mà thằng nhỏ hay ông anh bán báo “rao” sao giật gân, hấp dẫn quá đỗi, nhưng đọc ra mới thấy cái tin đăng góc nhỏ xíu.
Có cầu, phà ngưng hoạt động và chuyển về nơi mới đang cần hơn- quy luật tất yếu. Biết thế, nhưng những chuyến phà ăm ắp kỷ niệm khó phai trong ký ức người miền Tây, trong đó có tôi.
Rồi đây, muốn tìm về theo câu hát: “Đêm qua phà Cần Thơ anh nhìn theo con nước lớn/Có dòng nước nào về Chợ Mới để thăm em” chẳng còn nữa.
Hay tháng trước, về Bến Tre, xe băng nhanh qua cầu Rạch Miễu rồi quẹo trái xuôi con đường nhỏ cặp mé sông đi một đổi thì ngang qua bến phà Rạch Miễu cũ. Bến cũ giờ quạnh quẽ, buôn bán ỉu xìu. Không biết ai còn nhớ câu hát: “Bậu sang phà Rạch Miễu, thăm trường cũ Nam Phương/Lư lắc lư xe thổ (ha) mộ... Chèn ơi quá dễ thương! /Tức mình theo bén gót (ớ hơ), năn nỉ hoài hổng nghe/Ước gì đương trắc trở../Gặp nụ cười Bến Tre !”. Ai không nhớ chứ tôi lỡ “phải lòng con gái Bến Tre”, đón dâu qua phà Rạch Miễu nên mỗi lần ngang qua ký ức lại về.
Những chuyến phà của Cụm phà Vàm Cống vẫn miệt mài qua lại đôi bờ, còn phía xa cầu Vàm Cống đã hoàn tất chờ ngày thông xe. Ảnh: HOÀNG THỊ
Vài ngày nữa lại, người miền Tây lại “tiễn” thêm đôi bờ bắc- bắc Vàm Cống. Lại thêm những nỗi niềm bâng khuâng, nhung nhớ và chắc hẳn vài ngày tới ai qua lại bắc Vàm Cống cũng không quên "tự sướng" vài pô ảnh hoặc ít đoạn video clip...
Những chuyến phà hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và lại được lai dắt đến những nơi còn cần đến, để lại niềm nhớ cho những ai hay hoài cảm bâng quơ. Nghĩ tới điều này làm tôi nhớ ông anh hồi cuối Chạp Mậu Tuất vừa qua, trên đường hai anh em từ miền Tây đi Sài Gòn, khi vượt cầu Mỹ Thuận vô tình bật vọng cổ nghe mấy câu này mà đứt ruột, não nề: “Hò........ơi ! Đèn treo bến Bắc, gió hắt ngọn đèn tàn, ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang, có thương nhớ gã......., hò...........ơi, có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa”.
Riêng tôi lại nhớ đến những câu thơ trong “Riêng gửi Cửu Long" của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều:
"Thức một đêm dày có trọn vẹn với Cửu Long?
Câu vọng cổ bềnh bồng…
Ơi châu thổ!
Tiếng thời gian cựa mình
Sông Hậu sông Tiền mênh mang miền nhớ”.