Là một trong những người tham gia chương trình truyền hình ăn khách Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank Việt Nam, một chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp với mục đích kết nối các shark (giới đầu tư, hay còn gọi là cá mập) với những công ty khởi nghiệp”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cengroup, nổi tiếng với tính cách mạnh mẽ và luôn nói thẳng mọi vấn đề.
Vẫn còn môi giới kiểu “bỏ bom” tin nhắn
. Phóng viên: Nói đến nghề môi giới bất động sản, nhiều người thường có những suy nghĩ khá tiêu cực và dị ứng. Ông nhìn nhận điều này ra sao?
+ Ông Phạm Thanh Hưng: Nghề môi giới xem ra khá mới mẻ vì chỉ mới được pháp luật công nhận trong khoảng 10 năm trở lại đây trong Luật Kinh doanh bất động sản. Trước đó, nghề môi giới được mọi người xem như là “cò”.
Trong vòng 10 năm qua, nghề này có tốc độ tăng trưởng nhanh với số lượng người làm nghề rất lớn. Hiện nay đã có những sàn giao dịch bất động sản được xem là hình mẫu trong nghề môi giới, làm việc rất bài bản và chuyên nghiệp, đặc biệt có nhiều sàn vượt lên với quy mô lớn chi phối thị trường.
Điều đáng mừng là hiện nhiều công ty môi giới bất động sản Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài dù họ có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm lâu dài.
. Nhưng vẫn còn nhiều lời than phiền từ phía khách hàng về sự tự phát, bát nháo của môi giới bất động sản?
+ Đúng là phải thấy một sự thật, vì quá mới nên môi giới phát triển tương đối tự phát. Vẫn còn nhiều môi giới và các sàn giao dịch làm việc chưa thật quy chuẩn khiến cả người mua lẫn người bán đôi khi dị ứng với môi giới, cho rằng đó là vật cộng sinh, sống ăn bám vào giao dịch người khác.
Chưa kể cách thức môi giới tiếp cận khách hàng theo kiểu “bỏ bom” tin nhắn, đeo bám, lôi kéo khách bằng các thủ thuật không mấy dễ chịu.
. Vậy tập đoàn của ông làm thế nào để khắc phục những khiếm khuyết trên để đem lại niềm tin cho khách hàng?
+ Chúng tôi rất trăn trở để làm sao nghề môi giới được xã hội thừa nhận và tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng nhiều mô hình kinh doanh phù hợp với sự phát triển theo từng thời điểm của thị trường bất động sản.
Ví dụ, chúng tôi xây dựng mô hình siêu thị dự án theo cách đưa 100% sản phẩm của dự án niêm yết công khai trên sàn giao dịch với đầy đủ thông tin pháp lý, giá cả, các quy trình thủ tục cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng. Có nghĩa rằng khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin, không phải đi quá nhiều sàn giao dịch để tìm kiếm thông tin, đọ giá. Cách làm này hóa ra đem lại thành công lớn.
. Ông có nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều cơn nóng sốt thất thường, gây lo ngại cho cả người có nhu cầu mua nhà thực lẫn nền kinh tế?
+ Chúng tôi có một bản đồ nhiệt để chỉ ra điều đó. Bản đồ nhiệt này tương tự như bản đồ dịch bệnh trên thế giới hay làm, thể hiện các chấm đỏ dịch bệnh đang lây lan đến đâu. Khách hàng nhìn trên bản đồ này sẽ biết khu vực nào đang nóng sốt một cách bất thường để tính toán.
Mình phải đảm bảo sàn của mình làm ăn đàng hoàng, làm đúng và thu hoa hồng một cách xứng đáng chứ không phải dùng mẹo này mẹo kia để “cắt máu” người khác thì không ai nể cả!
Ông Phạm Thanh Hưng: “Đã đầu tư thì không bao giờ an toàn tuyệt đối cả”. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Muốn khởi nghiệp, đừng “coi rẻ” tiền của nhà đầu tư
. Chương trình Shark Tank Việt Nam, nơi các công ty khởi nghiệp trình bày dự án của mình và thuyết phục các shark (các nhà đầu tư, hay còn gọi là cá mập) quyết định có đầu tư hay không. Tuy nhiên, ông được xem là một shark rất khó tính khiến nhiều công ty khởi nghiệp rất ngại?
+ Thật ra tôi không khó! Tôi chỉ nói thật và bóc tách các điều mà các bạn đó đang cố che giấu ở công ty mình. Tuy nhiên, sau đó mọi người đều công nhận tôi khá thoải mái, sẵn sàng làm việc hết mình một khi đã rót vốn vào công ty của họ.
. Việc nói thẳng quá liệu có gây ra sự nản lòng cho các nhà khởi nghiệp?
+ Tôi nghĩ không có gì nản lòng đâu, vì muốn đi xa là phải trung thực. Mặt khác, cả tôi lẫn các bạn khởi nghiệp đều cùng lên một con thuyền, cùng kinh doanh, cùng hưởng lợi lẫn rủi ro nên mọi thứ phải đi đến tận cùng vấn đề.
. Có người gọi ông là “Hưng cá mập”, vậy thực sự ông có phải là “cá mập” không?
+ Đấy là cái danh xưng của chương trình nhưng tôi không nghĩ mình là cá mập. Bởi tôi không có dự định chiếm tỉ trọng sở hữu quá lớn, mà chỉ với tỉ lệ nhỏ 10%-20%. Đây là một tỉ lệ sở hữu vừa phải, tôi chỉ muốn đồng hành với doanh nghiệp để các bạn còn động lực kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, tự vận hành. Nếu các shark mà chiếm 45%-51% tỉ lệ sở hữu, các bạn khởi nghiệp sẽ mất động lực và đó thực sự mới là cá mập.
. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp?
+ Tôi không thiếu ý tưởng kiếm tiền. Tôi nhiều ý tưởng lắm nhưng không thể triển khai nổi, cái chính là tôi cần người để triển khai. Vì vậy, chúng tôi chỉ hỗ trợ một phần cho công ty khởi nghiệp chứ không làm thay và tiền của chúng tôi đưa ra cũng không phải tiền từ thiện.
Phải lưu ý điều này vì các bạn cứ nghĩ với các nhà đầu tư lớn thì việc bỏ ra vài tỉ bạc chẳng là cái gì cả!
. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
+ Nếu các bạn khởi nghiệp không sử dụng tiền đúng mục đích, không trung thực mà chỉ biết lợi dụng, không khai thác được ưu điểm, thế mạnh của các nhà đầu tư sẽ là mất mát lớn nhất của các công ty khởi nghiệp.
Cái quý nhất các bạn nhận được chính là kinh nghiệm, mối quan hệ của các nhà đầu tư chứ không phải tiền. Thế nhưng nhiều bạn chỉ nhìn vào tiền của các shark và dùng mọi cách để thuyết phục các shark xuống tiền. Sau khi xuống tiền xong là tiêu vèo hay trả nợ cho quá khứ, thậm chí tiêu rất xông xênh vì nghĩ rằng tiền trên trời rơi xuống, mất không sao.
Chúng tôi phải mất rất nhiều năm để truyền tải thông điệp cho khách hàng và phí môi giới mà chúng tôi nhận được là xứng đáng vì đã làm việc nghiêm túc. Thực ra phí môi giới tại Việt Nam vẫn khá rẻ, chỉ đâu đó 1%-1,5%, trong khi các nước Mỹ hay châu Âu là 5%-6%. Ông PHẠM THANH HƯNG |
Điểm yếu nhất của công ty Việt: Trình độ quản trị
. Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, ông nhận xét thế nào về họ?
+ Nếu nói về thế mạnh là năng lực nội tại thì nói chung doanh nghiệp Việt không có nhiều. Nói cách khác, chúng ta không có nhiều thế mạnh nhưng lại có rất nhiều cơ hội, vì nước ta là một thị trường mới nổi, tăng trưởng nhanh, còn nhiều dư địa làm ăn. Nói như các shark, quay đi quay lại, chỗ nào cũng kiếm được tiền, có thể làm ăn được và đầy cơ hội. Trong khi nếu sang châu Âu hay Mỹ để kiếm sống rất dễ nhưng làm giàu rất khó.
. Theo ông, điểm yếu nhất của công ty khởi nghiệp Việt là gì?
+ Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt là công tác quản trị. Quản trị không có nguyên tắc nào cả, quản trị không bài bản. Hầu hết doanh nghiệp điều hành theo kiểu sự vụ, gặp đâu xử đó, không có công tác quản trị, lập chiến lược điều hành rõ ràng, rành mạch.
Chơi golf giúp tôi thay đổi cách quản trị doanh nghiệp . Được biết ông rất đam mê và chơi khá tốt môn golf, vậy nó đem lại lợi ích gì cho công việc kinh doanh? + Một điều thú vị là khi chơi golf lại giúp mình thay đổi cách quản trị doanh nghiệp. Việc chơi golf cũng tương tự như điều hành doanh nghiệp. Tại sao đánh quả golf đó lại hỏng? Vì chả ai làm hỏng cả, toàn do tự chúng ta bức xúc mà đánh hỏng. Golf không phải là môn đối kháng, không ai tranh chấp mà chúng ta tự đánh dưới sự chi phối cảm xúc, tính toán của bản thân.
Khi chơi golf phải tách rời hoàn toàn công việc trong một khoảng thời gian nhất định và với cá nhân tôi, đấy là lúc giúp ủy quyền công việc tốt hơn. (Cười) . Đã có khi nào ông có quyết định đầu tư mạo hiểm để thử thách bản thân không? + Nếu có cũng chỉ là một danh mục đầu tư tài sản rất nhỏ. Tôi không bao giờ chơi tất tay. . Khi đối diện với thất bại của một khoản đầu tư nào đó, tâm thế ông ra sao? + Làm lại và rút kinh nghiệm, vì rủi ro và sai lầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có điều nếu sai lầm lặp lại đúng như thế (sai lầm đã gặp phải trong quá khứ - PV) mới là vấn đề. Các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ gặp những sai sầm nhưng lưu ý khi rút kinh nghiệm và làm lại thì phải thay đổi cách làm, khắc phục điểm yếu… rồi mới khởi đầu lại. Còn làm lại với niềm tin rằng lần này sẽ may mắn hơn, kiểu hên xui thì khả năng thất bại lần nữa rất cao. Người ta từng nói không có kết quả mới bằng cách làm cũ. . Xin cám ơn ông. |