Sửa Luật Đất đai 2013 để khắc phục nhiều bất cập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sửa Luật Đất đai 2013 là một trong những định hướng lớn của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ này. Từ nhiều năm nay, những vấn đề liên quan đến Luật Đất đai 2013 đã được “xới” lên nhiều lần.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nói: “Qua gần 10 năm có hiệu lực, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập xuất phát từ cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan”.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách. Ảnh minh họa: QUỐC VŨ

Bất cập vì có hai loại giá đất

. Phóng viên: Thưa ông, Luật Đất đai 2013 hay quá trình thực thi pháp luật về đất đai là căn nguyên của các vấn đề khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo… (về đất đai) hiện nay?

+ Ông Ngô Sách Thực: Khiếu nại, tố cáo về đất đai hiện nay có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do tổ chức thực hiện và có nguyên nhân từ những bất cập, chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai.

Luật Đất đai ban hành năm 2013 và đến nay đã có 45 nghị định, 66 thông tư, 2.000 văn bản của các tỉnh, thành liên quan đến đất đai. Quy định về khung giá đất, mức trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi thấp, phân cấp, cách thức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hai phương thức thu hồi đất… là những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại nhiều về đất đai.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn để xảy ra nhiều vi phạm, sai phạm, việc xử lý chưa kịp thời, nghiêm túc; thiếu các tiêu chuẩn, căn cứ để kiểm soát về quy hoạch, định mức giao đất, cho thuê đất, đấu giá… dẫn đến thực hiện còn tùy tiện.

Rồi chuyện đo đạc, bản đồ, mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai, minh bạch, thanh toán khi thu hồi đất, tái định cư còn nhiều hạn chế, thiếu sót, phiền hà, tiêu cực. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai ở một số nơi còn hạn chế, để xảy ra đông người, vượt cấp, phức tạp, kéo dài.

. Nhiều người cho rằng một trong những vấn đề gây rắc rối là hiện tồn tại hai loại giá đất. Theo ông, đây có phải là bất cập không?

+ Đây là bất cập và phải khắc phục. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và khiếu kiện nhiều về đất đai. Luật Đất đai 2013 đề ra nguyên tắc định giá đất là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai) nhưng trên thực tế quy định này chưa được bảo đảm.

Điều này dễ dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường. Mặc dù Điều 115 và Điều 116 có nói đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập... do vậy giá đất còn mang nặng tính “áp đặt”.

Hai đầu mối thẩm định giá đất

. Theo ông, hệ quả của những bất cập nói trên có làm cho tài chính đất đai của cả Nhà nước và người dân đều bị thiệt hại?

+ Tài chính đất đai là vấn đề rất quan trọng trong pháp luật đất đai, trong đó có việc xác định giá đất. Nhưng hiện nay, nguồn thu này chưa điều tiết giá trị tăng thêm từ đất vào ngân sách do hoạt động quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở; chỉ định nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, nhất là các dự án hợp tác công - tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có nhiều quỹ đất giá trị cao.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách. Việc tổ chức thực hiện công tác định giá đất cụ thể trong nhiều trường hợp chưa đáp ứng kịp thời tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường, nguyên nhân chủ yếu do cơ chế và quy trình hành chính trong khâu tổ chức thực hiện.

. Cụ thể, các quy trình hành chính ấy “biến ảo” ra sao sau mỗi phiên bản của Luật Đất đai?

+ Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, chỉ đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác xác định và thẩm định giá đất cụ thể. Đến Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014 thì công tác này được phân chia cho hai đầu mối: Sở TN&MT lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể; Sở Tài chính làm thường trực hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất.

Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất có thể dẫn đến khả năng thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

. Vậy giải pháp tổng quát cho vấn đề này, theo ông là gì?

+ Tôi cho rằng cần có quy định thu hẹp hơn trường hợp giao đất, quy định rõ trường hợp đặc biệt không thu tiền sử dụng đất (các trường hợp này người sử dụng đất không có các quyền như chuyển nhượng, tặng cho...); mở rộng đấu giá quyền sử dụng đất, quy định dùng các công cụ thị trường để phân bổ, sử dụng nguồn lợi đất đai hiệu quả; bổ sung tiêu chí, hạn mức sử dụng đất, giá đất làm căn cứ giao, cho thuê; quy định chặt chẽ hơn về thời hạn, hình thức nộp tiền giao đất, thuê đất.

Đồng thời xây dựng phương án xác định giá đất theo giá thị trường; cần tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền định giá đất cho hai cơ quan độc lập. Điều này nhằm kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền lực nhằm mục đích tư lợi.

Một biện pháp cũng rất cần là phải bổ sung các quy định kiểm soát hoạt động chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định chủ đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp, đổi đất lấy hạ tầng; bổ sung quy định về vốn hóa đất công và tài sản công gắn liền với đất.

Cạnh đó, cũng cần bổ sung các quy định về thuế, phí để điều tiết các hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất, bất động sản, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.

. Xin cám ơn ông.

Áp dụng tiền lệ dùng một luật sửa nhiều luật

Quốc hội khóa XIV đã đưa ra một tiền lệ là dùng một luật sửa nhiều luật để khắc phục sự trùng, chéo giữa các văn bản luật hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ví dụ năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (hiện hành), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Đây là một hướng tốt để khi sửa đổi Luật Đất đai, chúng ta có thể sửa ngay các điểm, điều luật bất cập của các luật khác nhằm tương thích với Luật Đất đai mới được Quốc hội sửa đổi.

Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm