Ngày 18-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Nhiều địa phương còn chủ quan, lơ là
Tại cuộc họp, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo nhận định diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực ban đầu, nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm một chiều.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP
Về tình hình dịch bệnh trong nước, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, một ổ dịch nổi lên ở tỉnh Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán "Thế giới bò tươi". Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25-7 đến 27-7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng.
Hiện nay, cơ quan y tế ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch này. Trong những ngày tới, số ca nhiễm mới có thể tăng.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.
Đáng chú ý, bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.
Đề xuất bắt buộc cài đặt Bluezone
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến quan ngại khi các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp còn khác nhau. Các chuyên gia đề nghị phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế…
Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như bác sĩ, công an, quân đội,…); kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ.
“Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.