Ngày 25-5, Bộ LĐ-TB&XH, đã tổ chức buổi họp báo về Tháng hành động vì trẻ em năm 2016.
Trước nhiều trẻ em chết đuối, đặc biệt là vụ chín học sinh ở Quảng Ngãi vừa qua đã làm cho buổi họp báo trở nên “nóng” với những chất vấn xung quanh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về những vụ tai nạn thương tâm này.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Long
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng thời gian qua Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc dạy bơi cho trẻ trong các trường học, đặc biệt là các Trường trung học cơ sở và tiểu học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do cơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi rất khó khăn.
“Cách đây năm đến sáu năm, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ đề án dạy bơi cho trẻ trong trường học, tuy nhiên đề án này không được phê duyệt . Nguyên nhân, là do chúng ta không đủ kinh phí để thực hiện. Vì vậy sau đó, chúng tôi tìm các biện pháp khác như huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư các bể bơi mini với giá từ 700 đến 800 triệu đồng/bể. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên hiện nay số trường được hỗ trợ xây bể bơi rất hạn chế…” - ông Bá giải thích.
Với lý do trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đào Hồng Lan, khẳng định việc dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt chứ không nhất thiết phải xây bể bơi mới dạy bơi cho trẻ.
“Chúng ta không thể đổ tiền để xây bể bơi hàng loạt trong các trường học, việc làm này gây ra lãnh phí tiền của nhân dân. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ. Đối với các bể bơi sẵn có, cần huy động các tổ chức từ thiện hỗ trợ một phần tiền phí học bơi cho các trẻ. Nếu đất nước mình mà đợi có bể bơi mới học được bơi thì cha ông mình không ai biết bơi cả...” - bà Lan nói.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, ngoài dạy bơi cần phải nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh: “Theo thống kê, chúng ta thấy tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước không hẳn là do không biết bơi, vì vậy ngoài dạy bơi phải nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa chết đuối cho các gia đình…” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010-2014, mỗi ngày có 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật… trong đó, mỗi ngày có chín trẻ em, từ 19 tuổi trở xuống tử vong do đuối nước. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em (1-6 đến 30-6), Bộ LĐ-TB&XH sẽ có chương trình với chủ đề vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, với sự tham gia của gần 5.000 trẻ em. Được biết chương trình sẽ được diễn ra tại Quảng Ninh, vào ngày 28-5. |