Những gì ông nói không chỉ là riêng từ cá nhân mà thực sự là một vấn đề lớn: Du khách tới Việt Nam năm qua sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Ai cũng bảo phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người Việt Nam rất tốt nhưng tại sao du lịch mình thua kém nhiều nước thế?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Thua kém ấy thể hiện rõ ở con số: Đảo quốc bé tí như Singapore mỗi năm đón 15-16 triệu du khách. Thái Lan, Malaysia đón 27-30 triệu khách/năm. Thu nhập từ du lịch mang lại cho Thái Lan 50-60 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 8 triệu du khách, doanh số chừng 10 tỉ USD.
Lý do nêu ra có nhiều như phải nâng cấp sân bay bến cảng, đường sá giao thông, thêm khách sạn tiện nghi, tụ điểm văn hóa, khu vui chơi... Nhưng những yếu tố ấy cần nguồn lực đầu tư và cũng cần thời gian thì mới làm được.
“Tôi nghĩ nên tập trung vào những việc không cần phải tiền nhiều” - ông Đam nói và nêu ra sáu điều mà khách tới Việt Nam lo sợ, song để khắc phục nó không quá tốn kém.
- Thứ nhất là nạn làm giá, chặt chém. Đây không chỉ là chuyện kinh tế, giá cả mà xấu hơn nó khiến du khách cảm thấy không được coi trọng.
- Thứ hai, giao thông không an toàn, nhất là những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.
- Thứ ba, ăn xin, ăn cắp vặt.
- Thứ tư, nỗi sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm khi bán hàng trên vỉa hè bụi bặm, chẳng bao tay vẫn bốc đồ ăn.
- Thứ năm, việc mất vệ sinh (không chỉ đường bộ mà cả các điểm du lịch). Trong khi xanh, sạch, bảo vệ môi trường là một yếu tố quan trọng để làm tăng giá trị, phát triển du lịch.
- Và điều thứ sáu, người Việt cơ bản mến khách nhưng vẫn có những nơi không thể hiện sự tôn trọng khách. Ông nói: “Hàng quán mời vào thăm, người ta không mua là thể hiện thái độ. Không biết tiếng nhưng khách du lịch hoàn toàn cảm nhận được”.
Trong các vấn đề trên, trừ giao thông là phải đầu tư, giải quyết bài bản, còn lại các địa phương đều có thể xử lý mà không quá tốn kém. Thực tế đã có những nơi như Đà Nẵng, Hội An làm được, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.