Mới đây chính quyền Phần Lan thông báo các nhà làm luật đang cân nhắc kế hoạch mỗi tháng phát không cho tất cả cư dân trưởng thành 860 USD/người, đổi lại việc cắt toàn bộ chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khác với những ca ngợi từ đông đảo dư luận và độc giả, dự thảo chính sách lần này của Phần Lan cho thấy nước này đang “kìm phanh” suy thoái, tìm cách giúp nền kinh tế thoát khỏi con đường đến thẳng vực thẳm.
Cho “con cá” thay vì cho “cái cần”
Phần Lan hay các nước láng giềng Bắc Âu vốn có chính sách phúc lợi, đối với người dân nước này mà đặc biệt là người nghèo và người thất nghiệp, được đánh giá là trên cả “tuyệt vời”.
Từ năm 2005, tờ Washington Post (Mỹ) đã có bài báo mô tả “thiên đường Phần Lan” - nơi mà những đứa trẻ vừa được sinh ra đã được chính phủ chăm sóc một cách chu đáo cho đến khi chúng trưởng thành và thậm chí là khi chúng đã có gia đình nhưng không có việc làm (vì bất kỳ lý do gì).
Từ những người lái taxi đến những công nhân vệ sinh, hay cả những người không có việc làm đều được sống một cách thoải mái nhờ các gói trợ cấp đầy ưu ái từ chính phủ, bất chấp một số người cảnh báo rằng cho dân phúc lợi một cách vô tiền khoáng hậu có thể giết chết động lực phát triển xã hội và suy thoái kinh tế trong dài hạn.
Những người thất nghiệp ở Phần Lan không cần phải lo lắng về chuyện sinh tồn, bởi với số tiền ưu ái của chính phủ, họ có thể đến các khu thực phẩm giá rẻ, cửa hàng xe cũ, hay những nơi bán hàng trợ giá để đảm bảo một cuộc sống rủng rỉnh mà hàng triệu người thất nghiệp ở các quốc gia khác trên thế giới phải ganh tị và thèm muốn.
Thậm chí họ còn có thể đi du lịch dù mỗi tháng họ không làm ra được một xu nào cho xã hội, càng không góp được một đồng thuế nào cho ngân sách nhà nước.
Với những người Phần Lan đi làm, mức lương trung bình của họ tính đến hiện nay tăng đến khoảng 20% so với năm 2008, trong khi ở các quốc gia châu Âu khác thì chỉ số này giảm liên tục trong bối cảnh châu Âu chật vật trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo hãng NBC News mức lương trung bình hiện nay ở Phần Lan là 37.000 euro/năm (tương đương hơn 41.000 USD/năm). Trong khi đó, con số này ở các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ ở mức 33.000 euro/năm (tương đương hơn 36.000 USD/năm).
Tình trạng lương trung bình quá cao là một trong những nhân tố khiến tỉ lệ thất nghiệp tại Phần Lan tăng nhanh, gây áp lực lên chính sách phúc lợi xã hội.
Dự thảo chính sách “cấp cho không” mỗi người dân Phần Lan 860 USD/tháng là nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Juha Sipila nhằm giảm tải hệ thống an sinh xã hội phức tạp và tốn kém. Ảnh: NEUROPE.EU
Tâm lý “thất nghiệp sướng hơn đi làm” lan rộng
Các chính sách phúc lợi có phần quá trớn của Phần Lan dù có tác dụng giúp chính phủ tăng mức tín nhiệm của những người bình dân và giới thất nghiệp nhưng lại tạo ra thế hệ người dân trở nên thụ động và lười lao động.
Theo bình luận trên BBC, ở Phần Lan, nhận làm việc tại một nơi nào đó không cân nhắc có thể khiến người lao động mất tiền thay vì giàu lên nhờ lương. Nếu làm một công việc tạm bợ thì người lao động sẽ bị chính phủ cắt giảm các khoản trợ cấp.
Nếu quyết định làm việc trong các tổ chức trả lương thấp và chẳng may mất việc, người lao động xem như mất hoàn toàn trợ cấp bởi ngành chức năng sẽ cần nhiều thời gian để xem xét và phục hồi các khoản trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Theo thống kê của hãng BBC, hiện hơn 10% lực lượng lao động của Phần Lan đang không có việc làm, trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở giới thanh niên lên đến gần 23% và chưa có dấu hiệu suy giảm - tạo áp lực kép lên chính phủ: giảm thu thuế, tăng các mức chi trợ cấp thất nghiệp.
Với một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và hiệu quả nhất thế giới như Phần Lan nhưng chỉ số thất nghiệp lại cao chót vót cho thấy tâm lý “lười lao động” đang lan tỏa trong xã hội này hoặc ít nhất họ đang sống với một thực tế rằng “thà thất nghiệp để có nhiều tiền, hơn là đi làm công việc lương thấp mà tiền phúc lợi lại bị cắt giảm”.
Suy thoái kéo dài
Tác động của suy thoái kinh tế 2008 lên nền kinh tế châu Âu, sự suy giảm tăng trưởng của Nga - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Phần Lan, sự đổ bể của tập đoàn khổng lồ Nokia, cùng tỉ lệ thất nghiệp chót vót khiến Phần Lan lâm vào khó khăn khi nguồn thu cho ngân sách giảm mạnh.
Biên tập viên kỳ cựu của tờ The Daily Telegraph Ambrose Evans-Pritchard cho biết kinh tế Phần Lan ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế Phần Lan trong suốt hơn sáu năm qua (kể từ thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008), giảm mạnh, khoảng 6% khiến chính phủ “đất nước thiên đường” này phải chật vật tìm cách thắt lưng buộc bụng, cải cách tài chính để thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Nói một cách ví von, Phần Lan giống như một gia đình đông con, trong đó cha mẹ (chính phủ) đã không có khả năng làm ra tiền (vì tiền thu từ thuế giảm, kinh tế tăng trưởng âm), trong khi nhu cầu của con cái (người dân) về mặt phúc lợi hiện quá cao và rất khó có thể giảm.
Từ năm 2014, người phát ngôn Martti Hetemaeki của chính phủ Phần Lan đã lên tiếng khuyến cáo chính sách kích thích kinh tế trong năm năm mà chính phủ nước này dự kiến đưa ra để phục hồi sự thịnh vượng sẽ làm tăng nợ công, vốn đang ở mức cao của Phần Lan.
Hiện nợ công của nước này lên đến 62% GDP, dù chưa bị đánh giá là ở mức báo động như Hy Lạp thời gian qua nhưng cũng đã vượt 60% GDP của quốc gia - mức trần của Liên minh châu Âu đặt ra. Tháng 9-2015, bộ trưởng tài chính Phần Lan đã gọi quốc gia này là “bệnh nhân mới của châu Âu” khi nhiều chuyên gia tiến hành so sánh Phần Lan với một Hy Lạp đứng trước bờ vực vỡ nợ.
Lá bài “860 USD/tháng”
Sẽ không là “nói quá” nếu dùng từ “chủ nghĩa bảo trợ”, tức ưu tiên chính sách bảo trợ vô điều kiện cho dân chúng, đối với Phần Lan hay nhiều nước Bắc Âu khi nhìn lại những gì họ đã làm trong nhiều năm qua. Điều này theo một số chuyên gia cho rằng đã từng diễn ra tại Hy Lạp và là một trong những nguồn căn khiến “đất nước của những vị thần” khủng hoảng nợ thời gian qua.
GS Jeffrey D. Sachs, chuyên gia về phát triển bền vững, chính sách và quản lý y tế, và là giám đốc Viện Địa cầu tại ĐH Columbia, trong bài viết “Đằng sau bế tắc về khủng hoảng nợ của Hy Lạp” cũng đồng tình rằng chủ nghĩa bảo trợ, tham nhũng và sự quản lý yếu kém của Hy Lạp vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khủng hoảng nợ công của nước này.
Ông David Kotok, Giám đốc đầu tư của Công ty Cumberland Advisors, cho biết việc chính phủ liên tục vay nợ để thực hiện những lời hứa (về chính sách phúc lợi cao ngất ngưởng đối với người dân) mà các chính trị gia hay các nhà cầm quyền đưa ra đã khiến Hy Lạp trở nên khánh kiệt.
Nhiều người chỉ trích đó là “lá bài dân túy” nhằm vận động phiếu bầu bất chấp các quy luật về kinh tế. Với độ tuổi nghỉ hưu ở Hy Lạp là 57 tuổi, thấp hơn nhiều so với các nước khác, cộng với khoảng lương hưu cao đã gây ra gánh nặng tài chính lớn cho chính phủ.
Những phép so sánh về sự tương đồng trong chính sách bảo trợ cho dân với Hy Lạp, cùng với sự suy giảm của chỉ số tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thất nghiệp, nợ công tăng nhanh khiến Phần Lan không thể không ám ảnh về một kịch bản “Hy Lạp thứ hai của châu Âu”, nhất là khi đã có không ít chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo.
Lá bài “cung cấp cho dân 860 USD/tháng với điều kiện cắt toàn bộ chính sách an sinh xã hội” được xem là lá bài có tác dụng kép với chính phủ nước này. Một mặt, như Thủ tướng Phần Lan, ông Juha Sipila, thừa nhận nó sẽ “đơn giản hóa hệ thống an sinh xã hội”, giảm áp lực cho ngân sách và chính phủ, thúc đẩy người dân “tự tìm kế sinh nhai”; mặt khác giảm nhiệt trong lòng dân, nhất là những người kéo nhau xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Tranh cãi về việc cho tiền dân vô điều kiện Trước khi có đề xuất “cho không” 860 USD/tháng với mỗi người dân, hồi tháng 8-2015, chính phủ Phần Lan đã đề xuất “mức thu nhập cơ bản” là 1.110 USD. Việc cắt giảm còn 860 USD/tháng cho thấy Phần Lan đã tối thiểu hóa các rủi ro cho ngân sách chính phủ, đồng thời đã có sự thăm dò ý kiến dư luận. Những người ủng hộ chính sách này cho rằng giải pháp này sẽ thay đổi cơ bản hệ thống an sinh xã hội vốn rất tốn kém và phức tạp, đồng thời thúc đẩy người dân tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số tiền “cho không” như thế là quá cao. Một người thất nghiệp tại Phần Lan phát biểu trên BBC rằng: “Tôi rất vui nếu nhận mức thu nhập cơ bản 1.100 USD. Tuy nhiên, mức thu nhập cơ bản không nên ở mức cao như thế ở tất cả trường hợp”. Mọi người, đặc biệt các bạn trẻ rất có thể sẽ mất động lực để tìm kiếm việc làm nếu họ được nhận 1.110 USD/tháng. Số tiền ấy quá nhiều. Giới trí thức vẫn cho rằng về dài hạn, Phần Lan nên tìm cách thúc đẩy người dân “sống nhờ sức lao động” chứ không phải nhờ tiền chính phủ. |