Theo thông tin ban đầu, sau nhiều ngày theo dõi, các trinh sát phát hiện một số sà lan có dấu hiệu khai thác cát biển ở khu vực gần Cồn Ngựa (giáp ranh giữa biển Cần Giờ, TP.HCM và Vũng Tàu). Tại thời điểm kiểm tra có sáu phương tiện đang chở khoảng 1.500 m3 cát nhiễm mặn trên mỗi sà lan. Các thuyền trưởng không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản và bằng thuyền trưởng, giấy tờ liên quan…
Theo quan sát của PV, hầu hết sà lan đều ghi tên Mai Hương phía trên gần số hiệu. Có sà lan được trang bị máy công suất lớn cùng các ống bơm cát. Có sà lan được chia làm hai khoang và đều chứa đầy cát mới bơm.
Một số sà lan hút cát đang bị tạm giữ. Ảnh: KL
Bước đầu, các thuyền trưởng thừa nhận số cát trên hút trộm ở biển trong ngày 16-12. Có thuyền trưởng không thừa nhận vị trí hút cát nhưng có người nói là hút cát tại khu vực gần Cồn Ngựa. Các thuyền viên đều không thừa nhận công ty chủ thực sự của các sà lan khai thác này. Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay sẽ tiếp tục xác minh làm rõ.
Trước đó, cuối năm 2015, biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã bắt giữ được hơn 20 phương tiện sà lan khai thác cát trái phép tại khu vực sông Mỏ Nhát, huyện Tân Thành. Các đối tượng trong các vụ việc này rất manh động, dùng phương tiện để chống trả lực lượng chức năng. Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau đó đã bàn giao hồ sơ sang phía công an tỉnh để tiếp tục xử lý. Sau liên tiếp những vụ bắt giữ sà lan khai thác cát lậu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức nhiều cuộc họp để chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép trên sông, biển và giao các sở, ngành quy hoạch lại vùng cấp phép khai thác, không để tình trạng khai thác cát lậu diễn ra nhiều như trước.