Tân Hiệp Phát kiện 1 tờ báo, cho rằng đăng sai sự thật

TAND quận 3, TP.HCM vừa ra thông báo thụ lý vụ Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát (gọi tắt là Công ty THP) khởi kiện yêu cầu một tờ báo phải gỡ bài, cải chính và xin lỗi công khai vì đã đăng bài sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ty. Thông báo thụ lý vụ án đã được tòa này gửi cho VKSND cùng cấp và đương sự liên quan.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi thông tin toàn bộ sự việc theo hồ sơ thu thập được.

Kết luận điều tra 43 trang không nhắc tới Tân Hiệp Phát

Bài báo bị khởi kiện đăng ngày 29-4 có tựa đề: “Tân Hiệp Phát “mua” đất của nạn nhân vụ phở Hòa ra sao?”. Bài báo dựa vào sự kiện thời sự là Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án “phở Hòa”, đề nghị truy tố bị can Trần Anh Tuấn và năm đồng phạm.

Trong đơn khởi kiện, Công ty THP cho rằng bị đơn cắt ghép thông tin của các vụ việc khác nhau, chủ thể khác nhau thành bài báo có nội dung vụ án hình sự “phở Hòa” có liên quan đến giao dịch cho vay của THP. Tựa đề bài viết và nội dung nhiều lần sử dụng từ THP, lập lờ khi trích dẫn KLĐT vụ án “phở Hòa” khi dùng từ “theo hồ sơ” và “trong vụ án này”, làm cho bạn đọc hiểu lầm, hiểu sai sự thật về công ty.

Cụ thể, bài báo có những câu: “Điều đặc biệt, trước khi bị bắt, theo hồ sơ, bị can Tuấn có giao dịch “bán” khu đất 1,2 ha cho bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, người đại diện của Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát, trụ sở tại TP Thuận An, Bình Dương; con gái thứ hai của ông Trần Quý Thanh)…”.

“Trước khi vụ án phở Hòa xảy ra, Tuấn có phát sinh giao dịch “bán” khu đất 1,2 ha cho bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, người đại diện Cty Tân Hiệp Phát)...”.

“Những người tố cáo THP cho rằng…”, “Một người tố cáo phía THP cho rằng…”…

Theo nguyên đơn, bản KLĐT bổ sung vụ án “phở Hòa” ký ngày 13-4 (nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải) không có nội dung như bài báo đề cập, trích dẫn, không đề cập đến bà Trần Ngọc Bích cũng như THP. Thực tế Công ty THP không hề có bất cứ giao dịch nào với cá nhân nào liên quan trong vụ án hình sự trên như bài báo nêu. Nội dung bài báo sai sự thật đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty THP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của THP.

Theo tài liệu PV có là bản KLĐT bổ sung số 746-29E/KLĐTBS (PC02-Đ8) đối với vụ án cưỡng đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ký ngày 13-4-2021 (tức vụ phở Hòa) dài 43 trang, không có câu chữ nào nhắc tới Công ty THP và cá nhân bà Trần Ngọc Bích.

Bản KLĐT cũng không đề cập đến các giao dịch cho vay hay mua bán nào giữa các bị can và phía Công ty THP. Tài liệu này chỉ mô tả hành vi của các bị can, phân tích, nhận định và thông tin kết quả điều tra bổ sung mà trước đó VKSND và TAND TP.HCM yêu cầu, cuối cùng là chuyển hồ sơ cho VKS đề nghị truy tố các bị can.

Hai lần gửi văn bản nhưng báo không phản hồi

Ngày 12-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nghiêm & Chính (được Công ty THP ủy quyền thay mặt tham gia vụ kiện), cho biết TAND quận 3 đang trong quá trình giải quyết vụ án. Các thông tin sai lệch về THP trong bài báo đã gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hình ảnh và uy tín thì công ty buộc phải khởi kiện tờ báo.

“Cho đến nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào thông báo, làm việc với pháp nhân là Công ty THP về giao dịch mua bán tài sản hay cho vay nào. Các tố cáo, tranh chấp giữa Công ty Kim Oanh Đồng Nai, một số cá nhân với bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích đang được cơ quan có thẩm quyền làm rõ và chưa có kết luận. Tuy nhiên, dù nội dung tố cáo đúng hay sai, kết quả giải quyết tranh chấp giữa các bên như thế nào thì các vụ việc này cũng không liên quan đến Công ty THP” - luật sư Nghiêm nói.

Tài liệu do THP cung cấp cho thấy trước khi khởi kiện, một đại diện theo ủy quyền khác của Công ty THP là Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam đến nay từng hai lần có văn bản gửi lãnh đạo của tờ báo bị kiện, phản hồi thông tin tám bài báo (ngoài bài báo bị kiện) liên quan đến THP.

Cụ thể, ngày 28-3, Văn phòng Phan Law Vietnam (luật sư Phan Vũ Tuấn làm trưởng văn phòng) có văn bản cho rằng tờ báo này đăng bảy bài viết không đúng sự thật, có nhiều đoạn, nhiều câu chữ quy kết Công ty THP cho vay, lừa đảo, tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản… trong khi không có bản án, quyết định nào của tòa án kết luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty.

Trong khi chờ đợi sự phản hồi thì tờ báo này lại tiếp tục đăng thêm một bài nữa có nội dung sai sự thật về công ty nên ngày 5-5, Phan Law Vietnam có văn bản lần thứ hai yêu cầu báo gỡ tám bài viết, cải chính công khai và xin lỗi. Đến nay thì đại diện của Công ty THP vẫn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo tờ báo.

Theo đó, liên tục các ngày 11-3, 12-3, 17-3, 18-3, 19-3, 20-3, 22-3 và 24-4, tờ báo này có các bài viết đề cập đến Công ty THP và cá nhân các ông, bà Trần Quý Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích mà không gặp gỡ xác minh và thu thập thông tin đa chiều, khách quan…

 

Đăng thông tin sai sự thật, báo chí bị chế tài gì?

Theo tôi, việc một cá nhân hay tổ chức khởi kiện một cơ quan báo chí vì cho rằng thông tin sai sự thật là điều bình thường, nhất là trong thời đại minh bạch thông tin hiện nay. Pháp luật hiện hành cũng điều chỉnh khá đầy đủ biện pháp chế tài mà cơ quan báo chí phải chịu nếu đăng tải thông tin sai sự thật.

Về hành chính, khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí nghiêm cấm hành vi cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Cụ thể hóa quy định này, Nghị định 119/2020 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) có các chế tài tương ứng tại Điều 8. Cụ thể, nếu báo chí quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì bị phạt 30-50 triệu đồng (điểm b khoản 4). Phạt tiền 50-70 triệu đồng nếu báo chí đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (điểm b khoản 5); nếu ảnh hưởng rất nghiêm trọng thì phạt 70-100 triệu đồng (điểm a khoản 6).

Cũng theo Điều 42 Luật Báo chí thì cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Đối với báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của luật này.

Về dân sự, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan báo chí bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại BLDS. Yêu cầu bồi thường chia làm hai dạng là bồi thường tổn thất về tinh thần và thiệt hại thực tế xảy ra, nếu như người khởi kiện có chứng cứ chứng minh được những thiệt hại đó xảy ra do báo chí đăng tin sai.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng Khoa luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm