Sáng 26-5, TAND tỉnh Đắk Lắk mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Tưởng Đăng Thế (45 tuổi, tên gọi khác là Thế Tùng, ngụ xã Ea Kênh, Krông Pắk, Đắk Lắk) về tội "giết người" theo điểm c, n khoản 1, điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cơ quan điều tra dẫn giải Tưởng Đăng Phước thực nghiệm hiện trường. Ảnh: HSVA |
Tuy nhiên, phiên tòa tạm hoãn do không trích xuất được bị cáo Thế. Bị cáo này vẫn đang còn giam giữ tại nhà giam T16 - Bộ Công an.
Diễn biến vụ án
Theo quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, trưa 18-1-2006, Thế cùng với nhóm người tổ chức ăn nhậu tại nhà một hộ dân ở thôn Tân Nam, xã Ea Kênh.
Đến 13 giờ cùng ngày, Thế đi xe máy chở anh Trần Đình C về và ngủ lại nhà anh C. Một tiếng sau, Thế tỉnh dậy, nảy sinh ý đồ trộm tiền nhà anh Trần Phi H (ngụ cùng địa chỉ), vì nhà anh này mới bán bắp.
Vừa đi bộ vào hông nhà thì bị cháu Trần Thị Kim H (thời điểm này 13 tuổi, con anh H) đang nhặt củi cà phê gần bể nước nhìn thấy. Lúc này, cháu H hỏi Thế: “sao chú vào nhà lại đi cửa sau, để làm chi đó, cháu về sẽ mách bố mẹ, chú vào lấy trộm”.
Sợ bị lộ, Thế đến kéo tay cháu H lôi ra sau rẫy cà phê (cách nhà khoảng 50 mét) rồi dùng tay trái bịt miệng, tay phải bóp cổ cháu H đến khi cháu nằm im. Chưa dừng lại, Thế còn dùng cục đá lớn đánh vào đầu cháu bé. Nghĩ nạn nhân đã chết, Thế còn lột quần cháu bé vứt bên cạnh, nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra rồi trở về nhà anh C ngủ tiếp vào lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày.
Dù được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, cháu H đã tử vong vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 18-1-2006.
Xử sơ thẩm (tháng 7-2008), TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt tù chung thân đối với Tưởng Đăng Thế về tội giết người. Sau đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng y án sơ thẩm.
11 vấn đề cần làm rõ
Qua nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra 11 điểm mâu thuẫn, thiếu sót và vi phạm tố tụng nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định các tình tiết khách quan của vụ án và xem xét, đánh giá về trách nhiệm hình sự của bị cáo; tòa hai cấp đã kết án Thế về tội “Giết người” là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Trong đó, lời khai của Thế và người làm chứng (nhất là bà Nguyễn Thị Loan) còn chưa thống nhất, có nhiều mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các tình tiết khác; quá trình điều tra có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Quá trình điều tra vụ án, Thế có 12 lời khai, trong đó có bảy lời khai nhận tội và năm lời khai không nhận tội. Tại các lời khai nhận tội của Thế, đều do các điều tra viên Dương Thế Bình và Phan Thanh Cường lấy lời khai (bút lục số 73, 75, 77, 79, 83, 87 và 93). Tuy nhiên, Thế khai chưa thống nhất về tuần tự thực hiện hành vi phạm tội.
Vẫn theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, tại thời điểm xảy ra vụ án, Lê Nam T có hai lần qua nhà nạn nhân. Khi VKSND Tối cao xác minh giám đốc thẩm thẩm (ngày 21-8-2017), T khai, công an đã mời T lên làm việc sau khi cháu H bị sát hại.
Khi về nhà, T bị mẹ la mắng nên ngày hôm sau, anh này đã bỏ nhà đi TP Nha Trang (Khánh Hòa) rồi đến Nghệ An. Đến khi bố T báo cho T biết đã bắt được hung thủ giết cháu H thì đón T về.
Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đề nghị cần làm rõ Lê Nam T có liên quan đến vụ án không...
Việc bị cáo bị đánh khi hỏi cung là có thật
Thế khai, quá trình điều tra do không nhận tội giết cháu H, nên trong các ngày 25, 26-1-2006 và ngày 6, 12-4-2006, Thế bị ĐTV Dương Thế Bình đánh đập, ngoài ra không còn lần nào khác và ai đánh Thế nữa (BL116). Quá trình xét xử và xác minh giám đốc thẩm, Thế khai bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung nên mới khai nhận tội.
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hồ sơ thi hành án của Tưởng Đăng Thế thì thấy, tại Biên bản giao nhận người bị tạm giữ/tạm giam ngày 27-1-2006 do cơ quan điều tra bàn giao Thế cho Trại tạm giam có ghi ở phần tình trạng: “Bình thường (chân bị đau do chạy ngã)”.
Mặt khác, ngày 12-4-2006, anh Đoàn Quyết Thắng là cán bộ Trại tạm giam, sau khi trích xuất Thế đi hỏi cung trở về buồng giam đã phát hiện việc Thế bị đánh, để lại thương tích trên cơ thể nên đã lập biên bản sự việc.
Ngày 15-5-2008, VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Cơ quan CSĐT khắc phục những vi phạm tố tụng của ĐTV.
“Như vậy, việc Tưởng Đăng Thế bị ĐTV đánh khi hỏi cung ngày 12-4-2006 là có thật. Nhưng trong các ngày lấy lời khai Thế trước đó (nhất là ngày 25, 26-1-2006), thì Thế có bị đánh đập, ép cung, mớm cung hay không cần phải điều tra làm rõ, để đánh giá tính khách quan, trung thực trong lời khai nhận tội của Thế cũng như kết quả thực nghiệm điều tra”, trích quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.