TAND Tối cao vừa tổ chức cuộc họp giới thiệu dự án Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt.
Theo đó, dự thảo luật gồm 8 chương, trong đó có nội dung xét xử các vụ án mà bị hại là người dưới 18 tuổi, đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng, xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội…
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày khái quát nội dung về dự thảo luật
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người chưa thành niên.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em, số vụ án ly hôn, cũng như tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích khác diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ em, đồng thời đe dọa sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ.
Thời gian qua, chúng ta đã ban hành nhiều đạo luật để bảo vệ trẻ em trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em… góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ trẻ em.
Dù vậy, các quy định này nằm tản mát ở nhiều đạo luật khác nhau, ở các văn bản dưới luật do nhiều cơ quan ban hành nên đôi khi còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, thậm chí là mâu thuẫn nên hiệu quả thực thi chưa cao.
Hiện nay, thay vì chỉ quy định ở một phần hoặc một chương của các đạo luật, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng xây dựng đạo luật riêng để xử lý các tình huống pháp lý đặc biệt mà người dưới 18 tuổi gặp phải.
Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đồng tình, cho thấy tính cấp thiết của việc nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt trong thời điểm hiện nay.
Đánh giá về dự án luật, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đồng tình và ủng hộ.
Bà Ngô Thị Minh đồng tình và ủng hộ đối với dự thảo luật
Bà cho hay rất trăn trở và đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội mong muốn có luật tư pháp liên quan đến người chưa thành niên trong giai đoạn hiện nay.
Lợi ích khi có luật này là rất hữu dụng, có thể cung cấp chi tiết cũng như xử lý chuyên biệt, thúc đẩy phương pháp toàn diện và quản lý giám sát liên quan đến người chưa thành niên.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho rằng cần có một chương về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, hay nói cách khác đó là chương đảm bảo các điều kiện để thi hành các luật này.
Đó các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể... liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em. Có như vậy mới đảm bảo khi luật được xem xét thông qua mới có điều kiện đưa vào cuộc sống.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến và nhận xét sâu sắc của các đại biểu.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình giao Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối Cao tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh sửa dự thảo luật nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.