Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) hôm 22-7 đưa tin Bắc Kinh dự kiến sẽ triển khai các tàu ngầm không người lái trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) ngay đầu những năm 2020. Mẫu tàu ngầm này có thể được sử dụng để khảo sát, triển khai vũ khí hoặc tung đòn tấn công tự sát vào kẻ thù.
Lin Yang, Giám đốc thiết bị công nghệ hàng hải tại Viện Tự động hóa Thẩm Dương, Học viện Khoa học Trung Quốc, xác nhận dự án nghiên cứu, nói đây là đòn đáp trả của Bắc Kinh khi Washington có kế hoạch phát triển tàu ngầm tương tự.
Những con tàu này một khi được đưa vào hoạt động, sẽ là tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới (XLUUV), lớn đến mức có thể được sử dụng như một tàu ngầm chiến đấu thông thường, mang theo vũ khí và các thiết bị khác.
Tàu ngầm của hạm đội Nam Hải thuộc quân đội Trung Quốc tập trận. Ảnh: AFP
Tàu ngầm XLUUV được trang bị AI với khả năng “tự suy nghĩ”, không chỉ tránh được các hiện tượng tự nhiên mà còn có thể phát hiện và xác định đâu là tàu thân thiện, đâu là tàu thù địch, có thể đưa ra quyết định mà không cần có sự giám sát liên tục của con người. Mục đích là để tàu ngầm có thể rời cảng, hoàn thành nhiệm vụ và trở về mà con người không cần phải can thiệp.
Điểm đáng chú ý nữa của tàu ngầm AI là chi phí sản xuất rẻ hơn vì không cần phải đảm bảo an toàn cho người ngồi trong. AI cũng dễ dàng hơn trong việc điều khiển tàu ngầm mà không cần phải lo lắng cho con người.
Đây là điểm mạnh của tàu ngầm khiến đối phương phải đau đầu, theo Luo Yueseng, GS ĐH Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, nơi tàu ngầm đang được phát triển, nhận định.
Tất nhiên, thiết kế này cũng sẽ có một số nhược điểm như khả năng sửa chữa tàu ngầm ngay trên biển là điều không khả thi.
Trung Quốc những năm qua không ngừng đầu tư cho hải quân như thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài năm 2017, phát triển hạm đội tàu sân bay hùng mạnh. Đầu năm 2018, Bắc Kinh thông báo sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên gần 10%, từ 132 tỉ USD lên 175 tỉ USD.
Các tàu ngầm không người lái AI sẽ phối hợp với các tàu lặn Trung Quốc, như tàu Qialong III dài 3,3m và nặng 1,5 tấn nhằm thăm dò các mỏ dầu sâu dưới biển và các tàu nước ngoài đáng nghi.
Theo các nhà nghiên cứu dự án, mẫu tàu ngầm thông minh này sẽ không thay thế các phương tiện dưới nước có người lái, mà chỉ nhằm cung cấp thêm lựa chọn cho hải quân.
Xu Guangyu, một tướng đã về hưu và là chuyên gia tư vấn cấp cao của Hiệp hội Kiểm soát và giải trừ quân bị Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết Bắc Kinh đã thay đổi, không còn áp dụng chiến lược lấy số lượng bù chất lượng như trước.
"Trung Quốc sẽ tập trung cạnh tranh với Mỹ về chất lượng. Chúng tôi không thể tụt hậu về mặt công nghệ nhưng không cố gắng chạy theo số lượng. Mỹ có hàng ngàn đầu đạn hạt nhân, chúng tôi sẽ không ngu ngốc bỏ nhiều tiền vào những vũ khí chỉ để xếp xó trong các cơ sở lưu trữ như vậy. Nếu tên lửa Trung Quốc đạt độ chính xác cao và mạnh mẽ, tỉ lệ sẽ là một tên lửa Trung Quốc tương đương 10 tên lửa Mỹ” - ông Xu nói với Sputnik.
Trung Quốc tăng cường phát triển tàu ngầm thông minh trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang ở biển Đông. Các tàu ngầm AI được cho là sẽ được sử dụng chủ yếu ở biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương.