Khi được hỏi liệu Hiệp ước INF hiện tại có còn được cứu hay không sau khi Mỹ và Nga cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận và liệu có nên đưa Trung Quốc vào hiệp ước này hay không, bà von der Leyen cho rằng đó là điều Moscow có thể quan tâm.
Theo Bộ trưởng Đức, Moscow nên lưu ý đến việc bao gồm Bắc Kinh vào “một kiểu hiệp ước giải giáp vũ khí nhất định”.
“Giống như tên lửa Nga bị xem là mối đe dọa đối với châu Âu, tên lửa Trung Quốc cũng tương tự như vậy đối với Nga”, bà nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen. Ảnh: DPA
Các quan chức Đức khác trước đó đã bày tỏ lo ngại về sự sụp đổ của Hiệp ước INF, trong đó Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier không loại trừ một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Nga.
Tờ Frankfurter Allgemeine của Đức cũng đã dẫn lời ông Roderich Kiesewetter, thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và ông Rolf Mutzenich thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) nói rằng tên lửa 9M729 mới của Nga nên được chuyển đến “phía bên kia của dãy núi Ural để không thể chạm được châu Âu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết hồi tháng 12-2018 rằng Berlin sẽ phản đối việc triển khai tên lửa tầm trung mới ở châu Âu trong trường hợp Hiệp ước INF sụp đổ.
Vào ngày 2-2, Mỹ tuyên bố đình chỉ việc thực thi các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước INF, và cho Nga thời hạn sáu tháng để trở lại tuân thủ thỏa thuận khi Mỹ bắt đầu quá trình rút khỏi INF.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng việc tiêu hủy tất cả các tên lửa 9M729 trên mặt đất và các bệ phóng của chúng là chìa khóa để cứu vãn Hiệp ước INF.
Ngày hôm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow cũng sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước trên để trả đũa quyết định của Washington. Chủ nhân Điện Kremlin cũng chỉ thị các bộ trưởng không khơi động các cuộc đàm phán với các đối tác của họ về vấn đề này, nhưng cho biết Moscow vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: TAIWAN NEWS
Trước những động thái trên của Nga và Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh phản đối việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, đồng thời kêu gọi Washington và Moscow tham gia đối thoại mang tính xây dựng.
Ông Cảnh nói thêm rằng Trung Quốc phản đối việc mở rộng số lượng quốc gia ký kết Hiệp ước INF và khuyến khích Mỹ và Nga tuân thủ hiệp ước hiện có, theo hãng tin Sputnik News.
Washington cáo buộc Moscow thử nghiệm tên lửa 9M729 ở phạm vi bị cấm theo INF - điều mà Nga luôn phủ nhận, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không cung cấp bằng chứng để xác thực các yêu sách của mình.
Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ với cam kết tiêu hủy tất cả các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km.