1. Năm ấy, nước về miền Tây khá lớn. Trường cho nghỉ Tết sớm, tôi vội bắt xe đò về nhà ngay vì nôn nao lắm rồi.
Về nhà, việc đầu tiên của tôi là ghé ngay vào thăm chuồng heo vì nghe mẹ nói con Nái mới đẻ được 14 con. “Nhưng được 7 ngày thì nó chết mất rồi con ạ, nó đẻ tới 14 con nên bị kiệt sức. Tội nghiệp quá!” - mẹ chép miệng.
Khổ thân con Nái.
Nó có thai ngay vào lúc nước bắt đầu lên. Bán đi thì tiếc vì bán heo vào mùa nước lên hay bị thương lái ép giá, không được bao nhiêu tiền. Mà để nuôi thì nước lên cao chuồng bị ngập, cả nhà sẽ rất vất vả.
Suy đi tính lại, bố mẹ tôi quyết định vẫn để nuôi. Kinh tế cả nhà khi đó chỉ trông đợi vào lứa heo này. Qua mùa nước, bán heo được giá, bố mẹ mới có tiền đóng học phí đại học cho tôi và trang trải nợ nần. Hơn nữa, mẹ vẫn hy vọng nước sẽ rút nhanh và không cao như mọi năm.
Không ngờ nước năm đó cao khủng khiếp. Bố mẹ tôi kê ván nâng chuồng heo không kịp với con nước. Có khi chỉ qua một đêm, nước lên hàng mấy tấc… Chẳng mấy chốc nước đã lên cao qua cửa sổ nhà tôi gần 20 phân. Ngoài đường, nước cao ngang ngực người lớn. Mọi người muốn đi đâu đều phải dùng xuồng.
Chuồng của con Nái bố tôi đã kê lên cao lắm rồi, tới hơn một mét, không thể cao hơn được nữa. Bố bảo mẹ: “Thôi, tôi chịu rồi, hết cây kê kích rồi, cao nữa chuồng sẽ sụp mất. Thuận theo ông trời thôi!”. Tội nghiệp con Nái, bị ngâm nước liên tục nên có bữa mệt chẳng buồn ăn, ốm hẳn đi.
2. Khi con Nái sắp bị hà bá nuốt chửng thì may sao nước đứng, không lên nữa.
Sáng hôm đó, mẹ chống xuồng cùng nhỏ Thanh em tôi đi tìm hái bông súng đồng về trộn me chua ăn trưa. Bố tôi thả cần câu, móc trứng kiến vào câu cá rô xanh đang bơi hàng đàn tung tăng… trong nhà. Cần cứ giật lên liên tục vì đàn cá háu đói. Buổi trưa cả nhà có bữa cơm cá rô chiên giòn và gỏi bông súng trộn me giầm, ngon tuyệt.
Ấy thế mà bố tôi chẳng vui. Nhìn biển nước mênh mông, ông thở dài vì lo con Nái bịnh. Bữa nay bụng nó to lắm rồi.
Đang ăn cơm thì cả nhà bỗng nghe tiếng cô Lâm, ở cách nhà tôi gần 200 m, la thất thanh kêu mọi người giúp cô bắt con heo lại. Con heo nặng dễ gần 80 kg đang chới với bơi trong dòng nước lớn.
Cũng như nhà tôi, nhà cô Lâm giữ lại con heo này chờ qua Tết bán cho được giá. Cô Lâm bỏ chồng, một nách nuôi ba con nhỏ. Nhà chỉ có bốn mẹ con, không thể kê chuồng nên cô đưa luôn heo vào ở cùng trong nhà. Nhà cô cao nhất ấp vì cất sau này, vậy mà năm nay cũng bị nước chui vào lắp xắp. Hôm đó cô Lâm ra ngoài quên khép cửa nên con heo đi ra khỏi nhà, bước xuống sân ngập nước và bị nước cuốn trôi.
Ngay lập tức bố tôi cùng mấy chú hàng xóm chống xuồng lao theo, lôi được con heo về cho cô Lâm. Sợ mất heo, cô Lâm ngồi bẹp xuống khóc tu tu…
3. Ngoài con Nái, nhà tôi còn nuôi con Khoang. Con này không già như con Nái và mình có nhiều khoang nâu đen.
Lúc nước mới lên lắp xắp thì con Khoang có dấu hiệu mắc đẻ. Nó thỉnh thoảng lại kêu rống lên, miệng thở phì phò, đi qua đi lại, lấy chân cào cào xuống nền chuồng.
Chiều, mẹ với em Thanh tôi chạy xe đạp đến nhà cô Na - bác sĩ thú y nhờ cô đến đỡ đẻ cho nó.
Cô Na đến, vào nhìn qua thì bảo con Khoang chưa đẻ đâu. “Khi nào nhìn xuống kênh thấy nước lên cao thì lúc đó heo mới đẻ”.
Cả nhà tôi lo quắn hết cả lên, cứ thay nhau ra vô coi nước lên. Chờ từ 4 giờ đến 7 giờ 30 sáng thì nước lên cao nhất. Em Thanh chạy đi gọi cô Na. Cô ấy vào một lúc thì con Khoang đẻ được bảy con. Mấy mẹ con nó đang ở cái chuồng cao nhất nên năm đó bố tôi chỉ phải nâng chuồng lên một lần là ổn.
Trong bảy con heo con có một con nhỏ nhất, bé tí xíu em Thanh giành lau chùi ngay lúc nó mới sinh. Em nâng niu, lau chùi rất kỹ nhưng một mắt nó không sao mở mí ra được. Khi đó cô Na đã về rồi.
Nghĩ nó bị mù, cả nhà thương lắm. Em Thanh ngày nào cũng vuốt ve nó. Còn nó ngày này qua ngày khác chỉ nhìn đời bằng một mắt, rất tội nghiệp.
Một hôm, cô Na qua thăm. Mẹ nói với cô nhà có con heo bị mù. Cô Na ẵm con heo bé tí lên xem một hồi, rồi lấy hai tay… banh mắt nó ra. Thế là mắt nó mở ra được, hóa ra con mắt chỉ bị nước ối nhầy nhớt dính khô lại. Cả nhà vỡ òa mừng rỡ.
4. Nước bắt đầu rút.
Con Nái đẻ được 14 con, gồm sáu con màu trắng, tám con lông vàng nâu có những đốm đen. Cho 14 con bú cùng lúc thì khó nên bố tôi chia ra cho bú làm hai đợt. Khi cho heo trắng vô chuồng bú mẹ thì heo đốm ở ngoài chuồng được mẹ tôi pha sữa bình cho bú và lát sau thì làm ngược lại.
Vì cho bú luân phiên như vậy nên có lúc bị lộn, không biết heo nào đã bú mẹ và heo nào bú bình rồi. Bố tôi khi đó mới lấy phấn trắng viết chữ T-Đ (nghĩa là trắng, đốm) lên cây cột trong chuồng heo, đánh dấu lượt heo nào đã được bú. Ai lên cho bú cứ thế biết mà thả heo vào chuồng...
Vì đẻ tới 14 con, nên con Nái bị đuối sức. Nó mệt không đứng dậy ăn được. Đến ngày thứ bảy thì nó chết. 14 con heo con thiếu sữa mẹ ngay lập tức yếu hẳn. Lông của heo con không còn mượt mịn màng nữa mà xù lên như lông nhím. Bố mẹ tôi mua sữa bột về pha cho chúng nó bú nhưng vẫn không cải thiện được. Cả nhà đều lo lắng.
May mắn khi đó còn con Khoang. Bầy con nó sắp xuất chuồng, thế là mẹ quyết định cho lứa heo đó xuất chuồng sớm hơn vài ngày để đưa đám con của Nái qua bú ké… Lúc đầu con Khoang sợ, chạy lồng lên, không chịu cho bú khi bất ngờ thấy một bầy con nhỏ như chuột chạy loạn khắp nơi. Mỗi lần cho heo bú, mẹ tôi phải dỗ cho con Khoang nằm xuống rồi ngồi che mắt nó lại. Em Thanh đứng bên ngoài bắt từng heo con thả vào chuồng.
Bầy heo nhỏ thấy hơi sữa mẹ thì sộc lên tìm, rồi cả bầy heo con nhào vào chen nhau bú lấy bú để. Mẹ tôi ngồi vuốt ve bụng con Khoang mà rớm nước mắt.
Con Khoang sau ba ngày thì đã chấp nhận bầy con mới nhanh đến khiến ai cũng ngạc nhiên. Nó có thể nằm đó để bầy con “xa lạ” rúc rích khắp xung quanh tìm vú. Nó còn tỏ ra biết chăm sóc và bảo vệ bầy con mới lạ. Có bữa em Thanh ẵm một con heo con ra ngoài mà nó hộc lên kêu đòi ầm ĩ. Hay nó đang ăn mà có bầy con nhỏ chen vào giành, nó cũng lảng ra chỗ khác chứ không gắt lên hất ra như những con heo mẹ trước đó nhà tôi từng nuôi.
Được bú sữa mẹ bầy heo con khác hẳn, lông nó mượt ngay trở lại, khỏe mạnh, lanh lợi liền. Nhìn con Khoang và bầy heo con quấn quýt, khỏe mạnh và lớn lên từng ngày mà cả nhà tôi vui lắm. Cứ như thể ấm no đang từng ngày đến cùng với Tết vậy…
5. Những ngày giáp Tết đáng nhớ năm 2000 đó của cả gia đình tôi rồi cũng qua. Đó là năm thứ tư nhà tôi đến sinh sống, lập nghiệp ở vùng đất mới giữa miền Tây sông nước Long An, sau khi chuyển từ ngoài Bắc vào.
Đã lâu lắm rồi nước không về cao như năm đó nữa. Nhà tôi cũng không còn nuôi heo sau cái năm “giông bão” ấy. Nhưng năm nào sum họp Tết, cả nhà cũng đều nhắc lại những kỷ niệm khó quên về con Khoang, con Nái và bầy con của chúng.