“Người tù thâm niên” là cách nói dí dỏm mà những cán bộ chiến sỹ đang công tác tại trại giam Phước Hòa kể về công việc của mình. Với họ, đó là duyên, là nghiệp.
Gần 40 năm "ở tù”
Đại tá Trần Văn Dung (bìa trái) tặng hoa cho gia đình người bị hại. Ảnh: NGỌC LỆ
Ngày về trại giam Phước Hòa, tôi ngỏ ý muốn gặp một phạm nhân ở trại có thâm niên, một cán bộ cười: “Trần Văn Dung, gần 40 năm luôn nhé”.
Lạ thật, tù chung thân mà cải tạo tốt thì cũng chỉ tầm 17-20 năm về, sao ở tận gần 40 năm? Hỏi ra mới biết, “người tù thâm niên” trong lời kể của các cán bộ chiến sỹ là Đại tá Trần Văn Dung, giám thị trại giam Phước Hòa.
Gần 40 năm công tác ở trại giam cũng là gần 40 cái Tết Đại tá Trần Văn Dung đón trọn trong trại. Ông kể chuyện: “Phạm nhân thì nghỉ theo lịch nhà nước nhưng cán bộ chiến sỹ thì thay phiên nhau nghỉ. Anh em trực chiến, mình nghỉ coi sao được”.
Đi lên từ Cảnh sát bảo vệ, quản giáo, cán bộ giáo dục…cuộc đời ông tiếp xúc với hàng ngàn phạm nhân. Người đến trả hết nợ pháp luật rồi đi, cũng có người ngày vào tóc còn xanh, ngày về tóc đã bạc trắng, chỉ có ông và đồng đội vẫn ở lại tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Thời gian sau giải phóng, vụ án bắt cóc chủ doanh nghiệp Lý Minh Nhật tống tiền, chôn sống từng gây hoang mang dư luận suốt thời gian dài. Gần 20 nghi phạm liên quan đến vụ bắt cóc chiếm đoạt tài sản trong đó có H.V.S tham gia với vai trò tòng phạm. Nhắc đến S, giám thị Dung vẫn còn nhớ mãi. “Lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ nữa nhưng ông S bị kết án 17-18 năm về tội bắt cóc tống tiền. Đó vốn là một thầy giáo dạy trường làng, một số cán bộ công tác ở trại thời điểm đó vốn là học trò cũ của thầy. Ngày gặp lại nhau, trò là quản giáo, thầy là phạm nhân, trò quản thầy, người đàn ông đó không khỏi mặc cảm.”
Ngày đó giám thi Văn là cán bộ giáo dục, giải quyết vấn đề thăm gặp cho phạm nhân. Khi đọc hồ sơ cùng tiếp xúc trò chuyện với phạm nhân S, ông nhận thấy nếu có cơ hội làm lại cuộc đời, ông tin ông S sẽ là công dân tốt của xã hội.
Nhưng làm sao để người phạm nhân ấy vượt qua mặc cảm tội lỗi, mặc cảm thầy trò là vấn đề lớn nhất. “Ông ấy có tay nghề giáo viên. Lúc đó ở trại chưa có tuyển giáo viên dạy văn hóa, chúng tôi đã đề xuất để ông S tiếp tục công việc của mình là xóa mù chữ cho các phạm nhân khác trong trại. Rồi hàng tuần, rảnh rỗi tôi qua gặp riêng anh nói chuyện, cùng công việc khiến anh bắt đầu bình tâm trở lại, anh bảo sẽ cố gắng cải tạo tốt sớm về với gia đình. Hiện nay anh là nông dân tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang, đi hội nghị chúng tôi vẫn gặp”, giám thị Dung mỉm cười trải lòng.
Chạy xe 100km về đám cưới cán bộ
Đại úy Phạm Tuấn Em trò chuyện hỏi thăm phạm nhân. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đại úy Phạm Tuấn Em là phó đội trưởng đội tham mưu tại trại giam Phước Hòa (Tiền Giang).
Gần 16 năm gắn bó với nơi này, anh xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngày anh cưới, bên cạnh bạn bè người thân, đồng nghiệp còn có cả những phạm nhân từng cải tạo ở trại vì “nghe tin cán bộ cưới, tôi về, 100 cây số đó cán bộ”.
Trại giam Phước Hòa có khoảng 2500 phạm nhân trong đó có gần 300 án chung thân. Có những người tuổi đã cao sức đã yếu, có người tuổi đời còn quá trẻ, để động viên họ tiếp tục cải tạo tốt sớm trở về với gia đình là cả một hành trình.
“Tiếp xúc với phạm nhân cần sự cố gắng, kiên trì. Có những người phạm tội chỉ là giây phút nhất thời, lòng tham nhất thời, không thuộc về bản chất côn đồ, máu lạnh. Mình không thể dùng biện pháp mạnh hay ép buộc họ phải làm cái này, phải làm cái kia được”, anh Tuấn Em trải lòng.
Ngày trước, anh cũng đi lên từ lính gác cổng, rồi cán bộ giáo dục. Anh bảo, anh chỉ có thể hỗ trợ họ trong khả năng của mình. Chẳng hạn thấy anh D.V.L phạm án cướp giât, giết người, vào trại thường đánh lộn, bất cần đời, 6 năm đầu nhập trại rồi chuyển trại lên đây đều xếp loại kém.
Xem kỹ hồ sơ của phạm nhân này cùng quá trình tiếp xúc anh nhận thấy người này rất thương vợ, chỉ vì phút tham lam nhất thời mà gây tội. Anh qua tìm gặp, nói chuyện trực tiếp, rồi đề xuất với giám thị cho hai vợ chồng gặp riêng. Khi anh L cải tạo tốt, anh đề xuất từ tù chung thân giảm xuống án có thời hạn: 17 năm. Người đàn ông đó giờ đã trở về.
“Có lần thấy bà bán vé số từ thành phố về đây thăm con, chạy miết đến 5h chiều mới tới nơi. Bà chỉ mang theo chuối bánh không có tiền, nhà nghèo lắm. Thương quá, tôi đề xuất giám thị giúp đỡ hỗ trợ bà có kinh phí về thành phố. Thấy gì mình nói, giúp được gì mình giúp thôi”, anh vui vẻ kể chuyện.