Nói là để động viên ông cụ vậy thôi chứ ông biết ngày về còn xa lắm.
Ông chẳng nhớ nổi mình đã nói dối vậy bao nhiêu lần. Ông cũng không biết mình còn có cơ hội nói dối vậy bao nhiêu lần nữa. Năm nay ông 62 tuổi, cha ông đã 91 tuổi. Cha ông đã già và yếu lắm rồi. Năm năm trở lại đây, ông cụ không còn chống gậy lên thăm nuôi được nữa, lại thêm bệnh lãng tai. Mỗi lần có cơ hội nói chuyện điện thoại, thi thoảng ông phải hét thật to ông cụ mới nghe được. Ông là Nguyễn Sơn Hải (còn gọi là Tám Hải), quê Nghệ An. Đã 15 năm nay ông đón Tết trong trại giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Hiện ông Hải đang thụ án tại trại giam Phước Hòa (Tiền Giang) thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an.
Chẳng nghiện ngập, cũng đã từng thề sẽ không bao giờ động tới cái chết trắng nhưng chính máu đỏ đen nhất thời đã khiến ông rơi vào con đường tội lỗi. “Tôi chơi cá độ banh, ban đầu chỉ bắt 1-2 triệu, có thắng, có thua nhưng thua nhiều hơn thắng. Thua lại muốn gỡ, cho đến khi số tiền nợ lên tới 200 triệu, mỗi ngày phải gánh cả chục triệu tiền lời”.
Chẳng còn đường lùi lại không muốn làm phiền lòng vợ con, ông quyết định làm liều: Chung tay cùng Chu Đức Hải, kẻ cầm đầu đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, đ?ể mở đường tiêu thụ ma túy từ Nghệ An vào TP.HCM. Đường dây ma túy bị triệt phá. Ngày 19-4-2002, ông Nguyễn Sơn Hải bị tòa tuyên án chung thân.
Ngày ông vào tù, vợ ông phải bán căn nhà mặt tiền trên đường Trần Đình Xu, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM để có tiền khắc phục hậu quả và nuôi sống hai mẹ con. 15 năm qua, cứ sáng 30 Tết, người phụ nữ ấy lại xuống thăm ông, mang theo bánh kẹo và nấu những món ăn ông thích. “Hôm rồi, nghe tin có đợt đặc xá ở trại giam, cô ấy lại hỏi bao giờ anh được về. Tôi bảo tội của tôi là buôn ma túy, cải tạo tốt thì cũng phải tầm năm năm nữa, có đợi nữa không? Bà ấy cười: “15 năm rồi em còn đợi được, năm năm nữa thì có gì đâu…”” - ông rơm rớm.
Sau hơn 15 năm cải tạo tốt, ông đã ba lần được giảm án. Tính luôn những tháng ngày trong trại, còn khoảng năm năm nữa ông sẽ trả xong món nợ với pháp luật. Nhưng còn món nợ ân tình với người cha, với người vợ thủy chung, với đứa con trai duy nhất từ năm 16 tuổi đã thiếu vắng sự chăm sóc, ông biết sẽ chẳng bao giờ trả hết. “Chẳng biết ngày tôi được trở về, ông cụ có còn đợi nổi nữa không. Còn bà ấy, nếu thực sự có kiếp sau, tôi vẫn muốn tiếp tục làm chồng của bà để có cơ hội trả món nợ ân tình kiếp này”. Ông nói rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tết đang đến rất gần! Năm nay ông lại vắng nhà...