Vẫn bát ngát màu xanh cà phê trải rộng khắp nơi và hương hoa nồng nàn loang xa trong gió. Nhưng người Đắk Hà hôm nay dường như đã có chút gì khác xưa, tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp và thành thạo, chuyên nghiệp hơn trong từng thao tác chăm sóc cà phê. Bởi lâu nay khái niệm “cà phê sạch” không còn xa lạ với họ, những người đang nâng niu, kiến tạo đẳng cấp cho từng hạt cà phê của quê hương mình.
Chuyện 20 năm trước
Hơn 20 năm trước, vào cuối tháng Chạp, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Đắk Tô (Kon Tum) lúc nửa đêm. Theo kế hoạch, xe phải có mặt tại Pleiku trước khi trời sáng để kịp giao hàng. Một loại hàng đặc biệt trong dịp Tết, đòi hỏi bảo quản nơi râm mát: Lá dong.
Đường vắng. Luồng sáng cực mạnh từ cặp đèn pha xé toang màn đêm, soi rõ từng ngọn cỏ đầm sương dọc quốc lộ 14. Mặc đủ áo ngoài, áo trong nhưng tôi vẫn cóng róng trước hơi lạnh từng đợt ùa vào cabin. Ngay N., tài xế chạy đường dài, đã quen mà thỉnh thoảng vẫn hít hà.
Chúng tôi liên tục rít thuốc và nói chuyện tầm phào cho đỡ buồn ngủ. Đồng hành cùng một bác tài lão luyện, xởi lởi như N. kể cũng thú vị. Xe vượt cổng chào Diên Bình rồi bắt đầu vào địa phận Đắk Hà, huyện trù phú bậc nhất của Kon Tum. Không gian thoáng đãng mở rộng hai bên đường thoảng hương hoa cà phê nở sớm quyện trong mùi hăng ngọt của cỏ ướt. Bất chợt N. giảm tốc độ rồi hích cùi chỏ sang tôi, giọng hồi hộp: “Anh thấy gì không?” Khi tôi còn ngạc nhiên, căng mắt nhìn thì N. tiếp: “Đó, phía trước, gần bụi cây lề đường bên trái đó”. Giờ tôi đã nhận ra bóng dáng hai con vật, một lớn, một nhỏ đứng cạnh nhau ở khoảng cách chừng 200 m trước đầu xe. Bị ánh sáng đèn thôi miên, chúng đứng chôn chân trân trối nhìn, mắt lấp lóe những đốm lửa xanh. “Bò à?” - tôi hỏi. N. lắc đầu, giọng run lên phấn khích: “Không, là nai. Để em lụm”. Tôi hơi hoảng: “Đừng ẩu, coi chừng bò người ta”. “Không, chắc cú là nai” - N. quả quyết. Anh cứ ngồi im, bình tĩnh nhé!”.
Tiếng máy trào lên, N. ép chân ga, tăng tốc. Chiếc xe lướt như bay, đèn quét sáng lóa đoạn đường trước mặt. Tôi nín thở trong giây phút, N. bám chặt vô lăng, mắt nhìn không chớp cặp thú đang dần hiện rõ hình dạng. Đột ngột chiếc xe tạt ngang. Tôi chao người, vừa lúc một tiếng động trầm đục vang trước mũi xe. “Chết mày!” - N. hét lên vui sướng. Chiếc xe thắng lết bánh và đỗ xịch lại bên đường.
Chúng tôi nhảy xuống xe, chạy lại. Dưới ánh sáng đèn pin, một con nai con nằm vật trên đất, ngoi ngóp thở. Toàn thân nó phủ lớp lông xám mịn, đôi mắt trợn trừng nửa đau đớn nửa kinh ngạc. Và khóe miệng còn tươi nguyên một dòng sữa trắng. N. hớn hở: “Phang ngay đùi sau, anh thấy siêu không? May hồn con mẹ nhảy kịp, không em lụm đủ cặp”.
Tôi phụ N. khiêng con nai bỏ vào thùng sau. Nó chỉ nặng 30 kg không hơn, thân hình ấm mềm với các cơ thịt còn giật giật. Nằm giữa những bó lá dong mịn màng xanh mướt, bốn cẳng chân nó khẽ huơ huơ lần cuối rồi duỗi ra bất động. N. bàn: “Mình quay xe về nhà cho xẻ thịt rồi đi vẫn kịp. Chở xuống đó người ta dòm ngó không tiện. Anh thấy sao?”. Tôi im lặng gật đầu. Chiếc xe đổi hướng trở lại Đắk Tô. N. bắt đầu huyên thuyên những món ăn chế biến từ thịt nai trong khi tôi lơ đãng lắng nghe, thấy xốn xang mơ hồ một điều gì rất lạ.
Chuyện ấy đã thành quá khứ. Đắk Hà giờ đang chuyển mình với tốc độ xây dựng chóng mặt nhằm thỏa mãn cơn khát trở thành thị xã. Đường sá thênh thang, nhà cửa liên hoàn và nhiều ngôi biệt thự hoành tráng, cầu kỳ mọc lên khắp nơi.
Vườn cà phê vào mùa thu hoạch.
Đắk Hà, cà phê lên phố
Trong cơn lốc thị trường “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, nhiều năm qua ngành cà phê Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm. Tình trạng nông dân đành đoạn chặt bỏ cà phê để cắt lỗ không còn là chuyện hiếm. Riêng người Đắk Hà vẫn một lòng gắn bó, cần mẫn giữ vườn để đến nay toàn huyện đã có hơn 8.000 ha cà phê với năng suất bình quân ba tấn/ha.
Nhớ hôm trước, cô bạn từ Hà Nội gọi điện thoại vào khoe vừa mở một quán cà phê gần Hồ Tây. Bạn bảo mới tuyển chọn một loại cà phê hương vị rất ngon, có xuất xứ từ huyện Đắk Hà, được nhiều người ưa chuộng. Hóa ra, người Đắk Hà giờ không chỉ xuất nguyên liệu thô mà đã lấn sân sang lĩnh vực chế biến cà phê rang xay, tạo thành thương hiệu và dần chinh phục các thị trường khó tính. Điều đó khơi gợi trí tò mò khiến tôi quyết định lên xe thăm lại vùng đất này sau nhiều năm xa vắng.
Tôi vẫy taxi vào xã Hà Mòn. Đường Hùng Vương chia Đắk Hà thành hai bên đông, tây. Hà Mòn nằm về hướng tây, đất màu mỡ hơn bên đông.
Theo số liệu thống kê, hơn một nửa diện tích là của dân, phần còn lại là của doanh nghiệp nhà nước. Làm phép tính nhẩm, bình quân ba khẩu mới có 1 ha cà phê, liệu có thể vươn lên làm giàu? Anh Nguyễn Huy Quốc, Bí thư đảng ủy xã Hà Mòn, cười nhẹ: “Thực sự thì ở Hà Mòn không nhiều người giàu nhưng hầu hết người dân có mức thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Một phần nhờ điều kiện tự nhiên nhưng quan trọng nhất vẫn từ nỗ lực vươn lên của con người. Như chu kỳ kinh doanh của cây cà phê, theo quy trình kỹ thuật chỉ có 25 năm nhưng ở đây vườn cây hơn 30 năm vẫn tươi tốt, đạt sản lượng như thường. Là do người trồng tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách”.
Tôi lên xe cùng anh Quốc làm một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa”. Xe lướt êm trên các trục đường làng bê tông phẳng phiu, những ngôi nhà xinh xắn trải dọc hai bên đường xen lẫn những khu vườn cà phê nối tiếp trải dài xanh ngút mắt. Đã 5 giờ chiều nhưng trên đường vẫn dập dìu xe qua, trong những vườn cà người người vẫn tất bật tưới nước, cắt cành tạo hình cho cây. Dừng xe bên đầu lô, hỏi thăm người đàn ông trạc tuổi 40 đang kéo ống tưới. Anh cho biết đã gần 20 năm gắn bó với khu vườn này, trong đó có 2 ha nhận khoán của công ty và 1 ha là của gia đình khai hoang tự trồng. “Để có hạt cà phê đạt chất lượng và sạch thực ra cũng đơn giản nhưng phải chịu khó. Phải tuân thủ đúng liều lượng phân thuốc, đừng quá lạm dụng, thu hái khi quả chín đạt tỉ lệ và sơ chế, bảo quản đúng kỹ thuật là được” - ông hồ hởi chia sẻ.
Bên ly cà phê Đắk Hà
Sáng hôm sau, tôi đến Công ty TNHH Huy Hùng, một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, chế biến cà phê rang xay uy tín. Tiếp tôi là Giám đốc Phạm Thị Tuyết, một phụ nữ trẻ khá hoạt bát. Chị cho biết công ty được thành lập từ năm 2004, chuyên kinh doanh cà phê nhân nội địa và xuất khẩu. Đến năm 2012 mới bắt đầu chế biến cà phê rang xay các loại. Hỏi bí quyết để tạo nên hương vị riêng của cà phê Đắk Hà, chị mỉm cười: “Bí quyết gì đâu anh. Để có những hạt cà phê “sạch”, đạt chất lượng, chúng tôi đã liên kết bao tiêu sản phẩm với các tổ hợp tác như Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đắk Mar, Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng. Họ là những người trồng cà phê dày dạn kinh nghiệm, biết áp dụng và tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chăm bón, thu hoạch cho đến bảo quản hết sức chặt chẽ. Thêm vào đó là nhờ đặc tính cơ lý thổ nhưỡng vùng đất Đắk Hà đã tạo ra những hạt cà phê phẩm chất cao. Nên qua rang xay sẽ cho ra loại cà phê bột thành phẩm có hương thơm, vị đắng êm dịu, ngậy tự nhiên. Mong muốn đem đến cho người dùng những tách cà phê đúng nghĩa, chúng tôi không sản xuất cà phê giá rẻ dù dễ cạnh tranh. Bởi chúng tôi tin người sành cà phê sẽ biết chọn những sản phẩm phù hợp cho mình. Nên giờ các loại cà phê bột ĐakMark của Công ty Huy Hùng đã có mặt tại Hà Nội, Sài Gòn và một số TP khác”.
Trên đường về, trong lúc đợi xe tôi ghé vào quán Cà Phê Một Mình. Gợi chuyện hỏi chủ quán ở đây: “Cà phê của công ty nào ngon nhất?”. Cô chủ quán tự hào đáp: “Anh yên tâm, ở Đắk Hà này thì cà phê nào cũng ngon hết”.
Đắk Hà giờ đây đang vươn tới bằng tất cả tiềm năng, không còn chút bóng dáng hoang sơ như vài chục năm trước. Và chúng ta có thể an tâm rằng sẽ chẳng bao giờ còn xảy ra thảm cảnh nai mẹ dẫn nai con ra đường để bị xe đâm chết.
Như câu chuyện cổ tích, chuyến xe đêm tháng Chạp năm ấy đã thực sự lùi xa. Rất xa.