So với năm 2013, số lượng nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn 4C đã tăng 51%, góp phần đẩy mạnh hoạt động canh tác cà phê bền vững trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Nông dân thực hành thao tác với cây cà phê con.
Hoạt động này đã góp phần tăng mạnh diện tích cà phê tuân thủ 4C. Diện tích cà phê đạt chứng nhận 4C trong khuôn khổ dự án tăng từ 10.000 hecta năm 2013 lên 20.000 hecta sau một năm.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết về mặt kinh tế, thực hiện triển khai và cả áp dụng tiêu chuẩn của loại hình cà phê 4C đã làm tăng giá trị của cà phê xuất khẩu cho nông dân, những người tham gia vào mô hình như ông luôn được hưởng lợi từ việc nhận giá cộng thêm vào giá bán so với thị trường tự do. Còn với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê thì cà phê 4C là một sản phẩm sạch cho họ cơ hội gia nhập với thị trường cà phê thế giới, tiếp cận với những thị trường có yêu cầu cao, qua đó vừa bán được sản phẩm giá phù hợp, vừa cải thiện hình ảnh về chất lượng của cà phê Việt Nam.
Theo ông Tự, về mặt xã hội, điều lớn nhất có thể kể đến là chương trình đã kết nối thành công 4 nhà trong việc phối hợp, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Đối với vấn đề môi trường, nhờ được liên tục tập huấn, kiểm tra thực hiện nên các hộ tham gia chương trình cà phê có chứng nhận, xác nhận đã ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải, tăng cường cây che bóng và một số loại cây phủ đất để giữ ẩm và cải tạo đất, dần dần bỏ thói quen canh tác cực đoan, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng cà phê.