Thân phận biệt thự Pháp

Cách đây ba năm, trong một bài viết trên báo Pháp Luật TPHCM với tiêu đề “Biệt thự Pháp: Bài học về quy hoạch đô thị”, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT TP Hà Nội đã từng đặt vấn đề về sự xuống cấp của những công trình này.

Ông nói: “Việc xâm phạm các biệt thự Pháp, theo tôi, là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ bài học từ khi người Pháp xuất hiện ở nước ta và bắt đầu kiến tạo nên các công trình, đó chính là “xây mới phải kết hợp với bảo tồn”. Điều này rất cần đến sự tham gia tích cực (và đòi hỏi năng lực) của những người có trách nhiệm quản lý. 

Một phần của căn biệt thự Pháp tại số 8 Tăng Bạt Hổ. Ngôi nhà có tuổi thọ trên 100 năm. Ảnh V.THỊNH

Biệt thự Pháp rõ ràng là một di sản đặc biệt về kiến trúc, thậm chí KTS Hoàng Đạo Kính từng gọi đây là “một nửa của Hà Nội ngàn năm”, tuy nhiên chính giá trị đó đã khiến cho những căn biệt thự này dùng giằng giữa việc là di sản với công trình nhà ở.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người đã rong ruổi trên nhiều con đường ở Hà Nội ghi lại thực trạng của những căn biệt thự, tỉ mẩn chụp ảnh, ghi chép, tái tạo trong không gian nghệ thuật đã cho ra một triển lãm mang tên “Nhà Tây biến hình”.

Trao đổi với người viết, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay những biệt thự Pháp đã bị biến đổi công năng và trở thành một trong năm kiểu nhà tập thể của Hà Nội. Từ là một căn nhà riêng cho đến một khu tập thể nhỏ với nhiều hộ dân cùng sinh sống.

“Công năng bị biến đổi, bị cải tạo cơi nới, quá lâu không được bảo dưỡng, chia năm xẻ bảy phá vỡ cấu trúc. Đặc biệt là mái trên bị cải tạo lợp bằng mái tôn khiến cho nước ngấm vào làm cho khả năng chịu lực của tường giảm xuống… tôi không ngạc nhiên lắm với việc căn nhà số 107 sập”, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Cũng cách đây ba năm, KTS Hoàng Đạo Kính đã từng chua xót khi miêu tả thực trạng của những căn biệt thự này. “Biệt thự bị xâm thực từ trong ra, từ ngoài vào và từ trên xuống. Chúng biến dạng đến nỗi ai muốn phục dựng hình hài cũ, phải dụng đến công cụ mổ xẻ kết hợp với tài phán đoán của nhà khảo cổ học”.

Tuy nhiên cũng theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm nếu đặt ra giải pháp đưa người dân ra khỏi những căn biệt thự đó thì cũng không nên, bởi theo ông bảo tồn biệt thự Pháp còn là bảo tồn cả lối sống nữa. Vấn đề đặt ra là phải nói cho người dân trong căn biệt thự đó rằng họ đang sống trong biệt thự loại mấy, bên cạnh đó cần chú trọng đến bảo dưỡng, trùng tu.

Thế nên, với một “thân phận” đặc biệt, biệt thự Pháp vẫn như một cơ thể rệu rã phải làm tròn hai chức năng: Di sản và công trình nhà ở. Mà kiểu bỗng nhiên đổ sập như biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo cũng là một cách kết thúc "thân phận" vậy...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm