Thắng U-17 Việt Nam, bóng đá Philippines cay đắng với cụm từ “nhập tịch”

(PLO)- Vừa đánh bại U-17 nữ Việt Nam để tạo cột mốc lịch sử, bóng đá Philippines lại bị mỉa mai.

Bóng đá Philippines bao năm qua vẫn theo đuổi chính sách nhập tịch những cầu thủ mang "hai dòng máu" để làm mạnh đội tuyển. Họ tận dụng yếu tố "ngoại lực" từ bóng đá nam đến nữ, không chỉ cấp độ đội tuyển mà còn cả các tuyến trẻ. Với chính sách này, U-17 nữ Philippines vừa tạo nên lịch sử khi đánh bại U-17 chủ nhà Việt Nam 1-0 để lấy chiếc vé cuối cùng đi dự vòng chung kết U-17 nữ châu Á năm tới.

Phi-2.jpeg
U-17 nữ Philippines có thể hình rất tốt. Ảnh: CTP

Philippines không phải nhập tịch cầu thủ mà là cơ chế công dân hai quốc tịch. Hầu hết những cầu thủ sinh sống ở nước ngoài được gọi về khoác áo các tuyến đội tuyển Philippines đều có dòng máu Philippines trong người (hầu hết là mẹ người Philippines).

Chính sách “con lai” có dòng máu Philippines được gọi về đãi ngộ và khoác áo tuyển quê mẹ nằm trong hiến chương của Philippines chứ không phải luật, tức còn trên cả luật.

Từ hai năm trước, việc tận dụng “ngoại lực” này lan xuống các cấp độ đội tuyển trẻ nam và nữ Philippines. Song các đội nam như U-20, U-23 Philippines thi đấu rất kém, dù lực lượng của họ hầu hết là các cầu thủ ở châu Âu. Đêm 24-9, U-17 nữ Philippines đánh bại U-17 Việt Nam 1-0 tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để vào vòng chung kết U-17 châu Á năm tới tại Indonesia là cú sốc lớn. Ngay sau trận thua tức tưởi và bất ngờ này, những học trò trẻ của HLV Akira Iliji trong đội U-17 Việt Nam phản ứng đầy tiếc nuối, họ la hét, khóc lóc thất vọng vì trận thua.

Việc U-17 Philippines đánh bại U-17 Việt Nam là “dấu mốc lịch sử” ở cả hai khía cạnh. Đó là một đội trẻ Philippines lần đầu đánh bại Việt Nam, việc Philippines ghi danh vào vòng chung kết U-17 châu Á cũng là “cột mốc lịch sử”.

Phi.jpg
Isabella Preston (7) ghi bàn thắng vàng vào lưới Việt Nam tạo thời khắc và cột mốc lịch sử cho bóng đá nữ trẻ Philippines.

U-17 Philippines mạnh bất ngờ, họ chơi thứ bóng đá thiên về sức mạnh suốt 90 phút. Các cô gái U-17 Việt Nam thua trong đối đầu tranh chấp, thua bóng bổng, thua đua tốc độ, thua sức bền vì U-17 Philippine quá to cao.

Chuyện Philippines sử dụng chính sách nhập tịch một lần nữa được dư luận quốc tế, nhất là Đông Nam Á quan tâm. Nhiều người đã mỉa mai chính sách đó. Tuy nhiên, Chủ tịch LĐBĐ Philippines Nanong Araneta từng giải thích rằng, Philippines không nhập tịch mà dùng hiến pháp của mình để gọi những cầu thủ có dòng máu Philippines về thi đấu mà thôi.

Trước World Cup 2023, hậu vệ Angela Beard (Úc, đang đá cho Western Sydney) khoác áo tuyển nữ Philippines cũng gây nên những cuộc cãi vã trên mạng. Angela Beard là người Úc, nhưng có có mẹ là người đảo Cebu của Philippines, cô cũng được hưởng quy chế hai quốc tịch. Angela Beard từng khoác áo U-16, U-17 Úc, nhưng cô không có cửa cạnh tranh ở đội tuyển nữ Úc nên quyết định chọn “quê mẹ” khoác áo.

HLV Alen Stajcic cũng từng mệt mỏi với dư luận về điều này, thậm chí nhiều lúc họ còn ví “tuyển nữ Philippines là đội B của tuyển Mỹ” làm vị HLV này và cầu thủ tổn thương. Tại vòng loại U-17 nữ châu Á vừa kết thúc, những cô gái U-17 Philippines cao to mang hai dòng máu Philippines và nước ngoài, hầu hết là Mỹ. Họ chơi bóng trong môi trường giảng đường, khi có giải về Philippines thi đấu.

Angela Beard-1.jpg
Nữ tuyển thủ Angela Beard, người Úc có mẹ người đảo Cebu của Philippines vừa rồi khoác áo Philippines đá World Cup 2023. Ảnh: CTP

Hồi trước thềm AFF Cup 2016, LĐBĐ Philippines còn cử người sang Bayern Munich để thương lượng với danh thủ David Alaba (tuyển thủ Áo nay đang đá Real Madrid) về khoác áo tuyển Philippines đá AFF Cup. Alaba có mẹ người Philippines, bố người Nigeria, gia đình sinh sống tại Áo, song David Alaba không chịu vì như thế mất cơ hội khoác áo tuyển Áo. Những ngày này, các diễn đàn báo chí Philippines lại rộ lên chuyện U-17 nữ Philippines nhập tịch cầu thủ Mỹ, nhưng bản chất không hẳn là Philippines nhập tịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm