Theo báo cáo kiểm tra thực thế tại cầu treo Bến Sắn thuộc xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc), cầu treo này được xây dựng từ năm 1982. Toàn bộ kết cấu thép của cầu đều bị han rỉ, ăn mòn nghiêm trọng, có nguy cơ gãy đổ, nhất là vào mùa mưa khi nước sông lên cao tràn qua mặt cầu. Toàn bộ hệ thống cáp chủ bị trùng, cáp phía hạ lưu bị võng lệch so với cáp phía thượng lưu gây nghiêng mặt cầu, mất an toàn khi lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ lật mặt cầu.
Một số hình ảnh cầu treo ở Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ. TRUNG
Tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát có 6 cầu treo, toàn bộ số cầu treo này đều được đưa vào sử dụng từ những năm 2000 nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng nên các cầu bị han rỉ và hầu như không có hệ thống biển báo hướng dẫn trọng tải. Trong khi đó tại hai huyện miền núi Quan Sơn và Quan Hóa có 9 cầu treo đang được khai thác. Các cầu treo có kết cấu bằng thép đã bị han rỉ nhiều do không được vệ sinh, bảo quản, cá biệt có cầu đã bị gãy dầm dọc tại nhiều điểm. Các kết cấu bằng gỗ bị mục, gãy số lượng lớn, có cầu hệ dây lắc ngang không còn tác dụng.
Cầu treo tại xã Tam Lư và Tam Thanh (Quan Sơn) bắc qua sông Lò, hiện nay cũng đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều đoạn ra cầu đã bị đứt, gãy. Cầu cũng không được cảnh báo tải trọng cho phép. Cũng theo nguồn tin từ Sở GTVT tỉnh này cho biết, nếu tính nhu cầu cần thiết phải có cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao thì Thanh Hóa cần thêm 72 chiếc cầu, trong đó 65 cầu treo và 7 cầu thép.