Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo tóm tắt hồ sơ đề án nêu trên.
Theo đó, tỉnh Bình Dương dự kiến thành lập các TP Dĩ An, Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và ĐVHC cấp xã trực thuộc của các thị xã Dĩ An, Thuận An. Tỉnh này cũng dự kiến thành lập bốn phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của bốn xã thuộc thị xã Tân Uyên. Tại Hậu Giang, có ba ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp. Tỉnh này dự kiến thành lập một phường thuộc thị xã Ngã Bảy và TP Ngã Bảy. Với Tây Ninh, sẽ thành lập thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng. Vĩnh Long thì dự kiến thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân và thành lập bốn phường thuộc TP Vĩnh Long (gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội). TP Hải Phòng có 12 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp.
13 địa phương khác là Quảng Ngãi, Cao Bằng, Gia Lai, Lai Châu, Tiền Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Phúc cũng có sự sắp xếp đáng kể. Về phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng có báo cáo chi tiết.
Sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ QH ban hành 18 nghị quyết về sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trên. Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các nghị quyết là ngày 1-2-2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập…
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH có mặt đã đồng ý thông qua các nghị quyết.