Thanh toán không tiền mặt phát triển nhanh

(PLO)- Tính đến hết tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an "làm sạch" được hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, ngày 16-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp báo Tuổi Trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh – thúc đẩy phát triển xã hội”, nằm trong chương trình Ngày không tiền mặt 2023.

Thanh toán trực tuyến "lan nhanh như sóng thần"

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến với mọi tầng lớp người dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do, từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%...

"Nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng", Phó Thủ tướng đánh giá.

Số liệu do NHNN công bố, trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,8% về số lượng; qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 161,6% và 36,62%; qua ATM giảm 3,49% về số lượng và 5,45% về giá trị. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Kelvin Tanu Utomo - Trưởng bộ phận Sản phẩm & Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào, sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc đang phổ biến ở nhiều thị trường. Hiện nay tại Việt Nam, cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.

Đánh giá về xu hướng chuyển đổi số, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "TP.HCM rất quan tâm đến nền kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt. TP luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của TP.

Đến nay, các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển rộng rãi hơn nữa. Hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tại TP.HCM đã đạt 30%".

Ngày càng nhiều người sử dụng phương thức thanh toán online

Ngày càng nhiều người sử dụng phương thức thanh toán online

Đẩy nhanh hơn nữa thanh toán không tiền mặt

Trong thời gian tới, để hoạt động thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.

"Cần phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm: TP.HCM muốn lắng nghe ý kiến các ngân hàng, các chuyên gia, nhà cung ứng… gợi ý cho TP là nên làm gì để đẩy nhanh hơn nữa thanh toán không tiền mặt. TP cũng kiến nghị NHNN và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm