Tham dự cuộc đối thoại có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương, đại diện Văn phòng Chính phủ, VKSND Tối cao, quân chủng Phòng không - Không quân; đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội và chính quyền địa phương liên quan, cùng người dân của các xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) và ba xã giáp sân bay Miếu Môn của huyện Chương Mỹ (Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc). Cuộc đối thoại được truyền thanh, truyền hình địa phương kết nối trực tiếp với các xã này để người dân quan tâm có thể theo dõi.
Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã tóm lược lại quá trình quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn và cho biết quá trình quản lý, sử dụng đất tại khu vực này có sai phạm, đã được các cơ quan vào cuộc xử lý. Trong đó xử lý đến gần 30 cán bộ, một số trường hợp phải xử lý phó tổng thanh tra cũng khẳng định kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25-4-2019 của Thanh tra Chính phủ về kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và TP Hà Nội đối thoại với người dân về quá trình quản lý, sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
"Các nội dung của kết luận thanh tra phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo tính chính xác" - ông nhấn mạnh. Cụ thể, khoảng 238 ha đất tại sân bay Miếu Môn đã được Thủ tướng thu hồi giao cho quân đội năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; trong đó hơn 47 ha đất Đồng Sênh đã được bàn giao, chuyển đổi sang mục đích quốc phòng. Đơn vị bị thu hồi đất là Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm chứ không phải của từng hộ dân.
“Người dân có thể hiểu lầm là đơn vị quân đội chưa sử dụng nên có ý định xin lại để canh tác. Nguyện vọng đó theo quy định phải thể hiện qua HĐND xã Đồng Tâm nhưng theo ghi nhận, chưa từng có ý kiến đó. Một số hộ không thể đại diện cho tất cả để đòi lại khu đất này. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu khu đất này là để phục vụ mục đích quốc phòng, không thể chuyển đổi, cũng không hề có một dự án nào ngoài mục đích quốc phòng ở đây” - ông Thanh khẳng định.
Tại cuộc đối thoại, phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng giới thiệu các bản đồ, tài liệu, quyết định… về quá trình sử dụng đất đai tại khu vực sân bay Miếu Môn (đặc biệt là bản đồ đất đai khu vực sân bay Miếu Môn được xác lập năm 1992) trưng bày công khai tại hội trường với người dân, đồng thời giải đáp các câu hỏi liêu quan.
Ông cũng cho biết sắp tới, quân đội sẽ xây tường rào quanh đất dự án. "Bà con đến ủng hộ, mang chè thuốc đãi bộ đội thì tốt chứ không nên cản trở. Cản trở, xô xát, đạp đổ tường... là vi phạm pháp luật" - ông nói.
Tại cuộc đối thoại, người dân bày tỏ sự đồng tình với kết luận thanh tra của TP Hà Nội và kết quả rà soát kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về quá trình quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn. Ông Trần Ngọc Viễn (xã Đồng Tâm), một trong 14 hộ dân phải di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn, cho biết các hộ dân phải di dời như bản thân ông đều chấp hành ủng hộ, chỉ có một bộ phận người dân “không liên quan trực tiếp” là khiếu kiện và gây phức tạp tình hình.
Trả lời thắc mắc của người dân về việc đất quốc phòng nhưng vì sao UBND huyện Mỹ Đức lại thực hiện giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết theo luật định thì điều này thuộc thẩm quyền của địa phương. Năm 2016, Hà Nội đã phân cấp việc giải phóng mặt bằng cho các quận, huyện là phù hợp. Ông Chung cũng khẳng định quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng đều tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời mong muốn người dân ủng hộ, tạo sự đồng thuận để tới đây phía quân đội thực hiện xây dựng hàng rào quanh khu vực đất sân bay Miếu Môn.