Từng trượt dài trong vũng bùn tội lỗi, Thành Xuân Anh đã phải trả giá cho những tháng ngày phía sau song sắt. Và nỗi đau mất mẹ đã khiến anh quyết định làm lại cuộc đời, trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh về hoa sen.
“Gã giang hồ” thành nghệ sĩ nhiếp ảnh
Ghi dấu ấn thông qua các bức ảnh sen, Thành Xuân Anh trở thành cái tên không quá xa lạ với những người đam mê nhiếp ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm đình đám, anh còn được biết đến với câu chuyện cuộc đời vươn lên từ “bùn nhơ” nhưng từng bước gột rửa để trở thành một người có ích.
Thành Xuân Anh tên thật là Nguyễn Phước Thành, từng là một người có “số má” khi mới 10 tuổi đầu anh đã bắt đầu lăn lộn trong trong giới xã hội đen với các biệt danh như Thành “lư”, Thành “trọc”...
Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh bên cạnh những tác phẩm về hoa sen của mình. Ảnh: VĂN HÀ |
Và chính sự trượt dài trong vũng bùn tội lỗi ấy khiến anh phải “làm bạn” với song sắt nhà tù.
Trong những năm tháng trả giá lỗi lầm và soi rọi mình trong buồng giam Chí Hòa, Thành Xuân Anh đã phải chịu nỗi đau mất mẹ nhưng không thể về chịu tang. Nỗi đau thấu tận tâm can ấy đã trở thành vết cắt trong lòng khó phai mờ với Thành Xuân Anh và đó cũng là phút giây anh nghĩ về người mẹ của mình, quyết tâm vì bà mà cải tà quy chánh, làm lại cuộc đời khi mãn hạn tù vào năm 1992.
Và chỉ sau hai tháng rời khỏi trại giam, Thành Xuân Anh đã tìm đến với nhiếp ảnh. “Ngày ấy, chụp ảnh là một nghề làm ra tiền nên tôi đến Hội Nhiếp ảnh TP để xin theo học. Nghệ sĩ Lâm Tấn Tài nhìn rồi hỏi tôi có thực sự mê nhiếp ảnh không.
Tôi trả lời rằng mình mê thì có mê nhưng cũng muốn có thể kiếm sống được. Chính vì thấy tôi thành thực như vậy nên suốt quá trình dạy học và cả sau này, ông đã tận tình hướng dẫn tôi đi theo con đường nhiếp ảnh” - Thành Xuân Anh nhớ lại.
Khi học xong ba khóa nhiếp ảnh, anh bắt đầu ra nghề chụp cho các tiệc cưới, liên hoan, sinh nhật... Nhưng lúc ấy chỉ lấy nghệ danh là Xuân Anh. Nhờ quyết tâm làm lại cuộc đời và đam mê với công việc mới, đặc biệt là được các thầy khuyến khích và động viên rất nhiều nên Xuân Anh đã tiến bộ rất nhanh, anh được nhiều người ủng hộ và chụp rất đắt show. Tay nghề anh nhờ thế cũng lên theo và anh đặc biệt nổi tiếng về chụp ảnh chân dung.
Bức ảnh hoa sen mang tên Lòng mẹ cũng là chủ đề cuộc triển lãm lần thứ 13 của Thành Xuân Anh. Ảnh: NVCC |
Tìm bóng hình mẹ qua những đóa sen
Từ kinh nghiệm chụp ảnh chân dung, Thành Xuân Anh dần chuyển sang chụp ảnh đặc tả hoa sen. 30 năm cầm máy ảnh, Thành Xuân Anh đã có 15 năm chụp về hoa sen.
Nói về tình yêu dành cho hoa sen, Thành Xuân Anh cho biết: “Điều đơn giản nhất là hoa sen sống từ bùn vươn lên. Bên cạnh đó, tất cả gì sinh ra từ bông sen đều mang lại lợi ích cho con người thì tôi nghĩ rằng mình là một con người, hãy cố gắng sống như sen để trở thành một người có ích. Nhìn sen mà hoàn thiện, sửa sai mình, sống tốt cho đời. Không ít thì nhiều mình cũng nhiễm từ sen, những cách sống của sen từ đó mình yêu sen là vậy”.
Thành Xuân Anh cũng cho biết mỗi bức ảnh sen đã chụp có những chiếc lá che chở cho hoa sen, những đài sen nở ra gieo hạt cho đời. Đó là hình ảnh tượng trưng cho người mẹ luôn che chở, đùm bọc con trong giông bão cuộc đời.
Hay hình ảnh những chiếc lá hứng những cánh hoa sen tàn và rớt vào như bàn tay của người mẹ bảo bọc những rơi rớt của con… Anh cho rằng người con sau này có vấp ngã như thế nào thì người mẹ lúc nào cũng bảo bọc tha thứ cũng như đóa hoa sen lụi tàn rụng xuống nhưng vẫn nằm trên chiếc lá.
Góc nhìn này của Thành Xuân Anh cũng bắt nguồn từ nỗi đau anh không thể về thọ tang mẹ trong quá khứ. Chính vì vậy từ khi cầm máy lên sáng tác bên những đóa sen anh lại tìm mẹ trong từng bức ảnh, tìm cha trong từng tác phẩm.
“Những tác phẩm của tôi khi nhìn vào hay thoáng qua đều có hình bóng của cha mẹ và những hoa sen tượng trưng cho những người con có thể tàn úa, xinh tươi… Đó là thân phận của những người con. Tôi lấy hình tượng chiếc lá để nhớ đến mẹ cha mình khi sáng tác” - Thành Xuân Anh nghẹn ngào.
Triển lãm để tri ân những người thầy
Bên cạnh việc hiếu thảo với cha mẹ thì Thành Xuân Anh cũng luôn tâm niệm và kêu gọi việc hiếu nghĩa với người thầy. Đó cũng là lý do anh quyết định tổ chức triển lãm hoa sen với chủ đề Lòng mẹ sáng 22-4.
Không chỉ để kỷ niệm 30 năm cầm máy, triển lãm do Thành Xuân Anh tổ chức còn để kỷ niệm ngày mất của nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài - người chỉ dạy anh trên con đường nhiếp ảnh cũng như tri ân các thầy, các cô đã dạy mình.
“Tôi cũng mong rằng cuộc triển lãm này thành công để có kinh phí gây quỹ cho Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đào tạo thế hệ trẻ tương lai những tay máy giỏi hơn, tốt hơn, cho nên tôi muốn về đây để mang niềm vui đến cho các thầy vẫn còn giảng dạy cũng như những người thầy đã mất sẽ mỉm cười nơi suối vàng khi mình mất rồi vẫn còn một thế hệ tương lai nối tiếp thầy những việc ở đời có nghĩa tình” - Thành Xuân Anh chia sẻ.